Người Ý ăn uống như thế nào?
– Người Ý ăn uống sành lắm!
– Đồ Ý ngon!
– Nhà hàng Ý tuyệt vời!
– Pasta, Pizza, Lasagna, Cà phê Ý…
Đó là vài điều ước lệ ở Việt Nam ta vẫn nghe khi ai đó nhắc đến chuyện ăn uống của người Ý. Thực tế người Ý ăn uống và tiệc tùng như thế nào? Có phải ngày nào người Ý cũng ăn Lasagna và uống ruợu vang không? Bài này sẽ chia sẻ với các bạn trải nghiệm của Thảo về một ngày ăn uống bên ngoài, bữa cơm gia đình và bữa tiệc của người Ý.
Bữa cơm trong sách giáo khoa
Lúc trước khi sang Ý mình được học là bữa cơm của của người Ý gồm có 5 phần:
- Khai vị (antipasto): các món ăn nhẹ để kích thích vị giác như thịt nguội, phô mai, rau củ quả ngâm dầu giấm, bánh mì nướng
- Món đầu (primo): thường là các món ăn làm từ tinh bột như mì, cơm, cháo, súp
- Món thứ hai (secondo): thường là món thịt, cá, tôm, cua
- Món rau (Contorno): Các loại rau chiên, luộc, xào, sa lát
- Tráng miệng (Dessert): Kem, trái cây, cà phê.
Sang Ý mình lại thấy người Ý không ăn cả năm món trong một bữa, nếu như không phải bữa tiệc. Trên thực tế, năm món này được chia đều trong bốn bữa chính: đồ tráng miệng cho bữa sáng, món đầu cho bữa trưa, món thứ hai cho bữa tối, món khai vị cho bữa ăn nhẹ sau giờ làm. Cà phê có thể dùng ba bữa trong ngày còn kem thì ăn bất cứ khi nào họ muốn. Điều này đặc biệt đúng với Bắc Ý.
Tour trải nghiệm nước Ý đang có khuyến mãi
Người Ý ăn từ ba đến bốn lần mỗi ngày vào khung giờ khác với Việt Nam. Có lẽ do giờ đi làm khác với ở ta. Về các khung giờ của người Ý bạn đọc thêm ở đây.
Thường thì bữa sáng bắt đầu vào khoảng 7-9 giờ, bữa trưa từ 1-3 giờ, bữa tối từ 8-10. Tùy vào vùng miền hay độ tuổi mà khung giờ này sẽ xê dịch +/-30 phút. Người Nam thường ăn trễ hơn và ăn nhiều hơn người Bắc.
Khi người Ý ăn ở ngoài
Bữa sáng có gì?
Bữa sáng người Ý thường ăn đứng ở quầy bar ‘sotto casa’, tức gần nhà, ngay dưới nhà. Người ta đứng ăn bởi vì người ta ăn rất nhẹ và đơn giản. Một ly cappuccino classico không vẽ vời như trong các clip quảng cáo; một cái bánh sừng bò có nhân hoặc không nhân (nhân thường là kem, sô-cô-la, mứt trái cây); một ly sữa với bánh quy hoặc một quả táo; có anh giai lại chỉ một ly cà phê espresso đậm đặc và một điếu thuốc; có anh khác lại cái bánh mì kẹp thịt nguội hay miếng pizza, số này rất ít.
Giống như các nước châu Âu khác, đa phần người Ý không ăn mặn buổi sáng. Người Ý cho rằng chất mặn không giúp tái tạo năng lượng. Nếu bạn ăn sáng bằng bún gà, người Ý sẽ nhìn bạn thông cảm, nhưng vì lịch sự sẽ chẳng ai nói gì.
Ăn gì vào bữa trưa?
Thời gian mà người Ý dành cho ăn trưa cũng thoải mái không kém gì ăn tối. Do đó họ có thể ngồi lâu hơn một chút, chọn chỗ ăn xa hơn một chút.
Bữa trưa có gì? Ngoài một loạt các các quán ăn nhỏ được gọi là osteria, các hàng bánh mì, hiệu pizza miếng v.v., dân văn phòng Ý có thể ăn ở các căng tin, gọi là mensa. Họ được công ty phát cho phiếu ăn, gọi là buoni.
Phiếu ăn là một phần lương mà công ty thanh toán cho người lao động. Chẳng phải phát miễn phí. Làm cách này cả doanh nghiệp lẫn căng tin đều có lợi. Doanh nghiệp được hưởng chiết khấu giá trị ghi trên phiếu. Ví dụ, phiếu có giá trị 10 euro thì doanh nghiệp chỉ phải trả 9 euro. Căng tin cũng vì thế mà thu hút được nhiều khách hàng.
Nếu là sinh viên hoặc bạn sẽ có cơ hội sau: được ăn miễn phí (Umbria); ăn cho đến khi hết phiếu được phát (Emilia Romagna); hoặc phải trả tiền nhưng với giá ưu đãi. Các thầy cô cũng được ăn với giá ưu đãi.
Ăn ở Mensa thì rẻ và nóng sốt hơn ở ngoài, đặc biệt lại có nhiều lựa chọn. Năm món mình liệt kê trên kia có đủ cả. Ai chọn gì thì tùy, chọn các món muốn ăn rồi đặt vào một cái khay rồi bưng ra tính tiền. Tùy vùng, tùy chỗ mà khẩu phần và lượng thức ăn sẽ thay đổi.
Cũng có người lại về nhà đặt nồi nước sôi và thả mì pasta vào, lấy sốt để sẵn trong tủ ra đun rồi trộn tất cả lại, ăn, và thế là xong bữa trưa.
Ăn gì thì ăn, người Ý gần như không thể thiếu bánh mì. Họ ăn kèm với món thịt; họ ăn chung với món mì (pasta); họ dùng để vét sạch nước sốt còn bám lại trên đĩa (fare la scarpetta); họ xé miếng để chấm ăn với dầu và giấm.
Uống gì thì uống nhưng ăn xong hầu như không thể thiếu cà phê. Một tách cà phê espresso/macchiato để làm sạch miệng và để kèm với hút thuốc. Tuyệt nhiên họ không uống cappuccino sau bữa ăn. Vì món này người Ý chỉ uống vào buổi sáng, trong khi người nước ngoài lại uống vào bất cứ lúc nào.
Sau đó họ tán gẫu thêm chút nữa rồi ai nấy tản đi học đi làm.
Xem anh ta ăn cả nước Ý thế nào
Bữa ăn nhẹ Aperitivo và Apericena
Chẳng biết từ bao giờ, người Ý, đặc biệt là giới trẻ, lại có thói quen đi ăn nhẹ sau giờ làm từ 6:30 – 9:00, trước khi về nhà ăn tối. Đồng nghiệp tụ tập để bàn tiếp về công việc; chị em tám nốt phần còn lại; sinh viên học sinh để tán gẫu và selfie đăng ảnh instagram; các cặp đôi mới chớm thì để liếc nhau và e thẹn.
Bữa ăn nhẹ này được gọi là Aperitivo và nó đang trở thành mốt. Thức uống đặc trưng của bữa Aperitivo là spitz. Đó là một loại nước màu cam có cồn pha giữa prosecco, spitz hoặc aperol và một chút đá viên nhỏ. Ai không uống spritz thì uống bia hoặc cocktails. Ít khi thấy uống rượu mạnh.
Thức ăn trong bữa này thường là các món mình đã giới thiệu trong phần Antipasto. Có xúc xích salame, thịt muối prosciutto cotto – crudo; chỗ nào sang hơn sẽ có speck; rồi thì dưa chuột muối, cá mòi ngâm dầu giấm, oliu trái, hành ngâm giấm chua ngọt, cần tây chấm sốt chua ngọt, bánh mì nướng bruschetta, snack tortilla, pizza cắt miếng v.v. Tất cả đều được cắt nhỏ dạng finger food và bày ra khu quầy bar. Khách hàng chỉ việc gọi đồ uống và tự động lấy đĩa và lấy đồ ăn như ăn buffet.
Giá cho aperitivo giao động từ 5-10 euro tùy vùng, tùy thành phố và tùy số lượng cũng như chất lượng các món. Có thể nói Aperitivo ở Milano là nổi tiếng nhất. Ở Modena mình hay ghé quán Fusorari ngay sau lưng nhà. Ở đây đồ vừa rẻ vừa ngon và có cả đồ cho người bị dị ứng glutein. Nhiều khi mình chỉ muốn vác đĩa đi rồi vác về độ hai chục lần mà ngại chủ quán nhìn, nên thôi ăn độ … năm đĩa.
Mục đích chính của Aperitivo là không để khách no. Bởi vì họ còn phải về ăn tối bên gia đình. Tuy nhiên, càng ngày người Ý trẻ càng tranh thủ ăn nhiều hơn trong bữa ăn nhẹ và bỏ qua bữa tối.
Sau aperitivo, độ dăm ba năm gần đây người Ý lại đẻ ra cái gọi là Apericena. Đây là một loại lai giữa Aperitivo (ăn nhẹ) và Cena (ăn tối). Thế nhưng sau bữa lỡ dở không ít người Ý ăn thêm bữa tối nữa ở nhà.
Nếu không ăn độ năm đĩa trong bữa Aperitivo và vài đĩa trong bữa Apericena thì nhất định người Ý sẽ ăn tối thịnh soạn. Khác với bữa trưa, thường ăn mì, vào bữa tối người Ý ăn thịt hay cá, rau trộn hoặc luộc, vào mùa lạnh thì ăn cơm Ý risotto.
Bữa tối người Ý ăn gì?
Buổi tối thảnh thơi nên người Ý thường cho phép mình uống nhẹ. Một CỐC rượu vang đi kèm với món thịt, cá. Mình muốn nhấn mạnh ở đây là một cốc rượu vang. Trong bữa ăn gia đình, thậm chí ở một số nhà hàng, người Ý dùng loại cốc uống nước để uống rượu vang. Không mấy khi thấy dùng ly cao như ta thường thấy qua phim ảnh.
Sau bữa tối, nếu không uống cà phê thì họ uống trà thảo mộc (tisana). Thường sẽ là vị hoa cúc, trái cây rừng, và những năm gần đây là cả vị gừng nữa. Thực vậy, vị gừng đang chiếm lĩnh mọi nẻo đường nhà bếp Ý trong năm năm gần đây.
Những năm gần đây giới trẻ Ý tuổi teen, đặc biệt là học sinh Ý, giới văn phòng thường đua nhau vào ăn McDonald hay các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn combo hay đồ ăn nước ngoài không giới hạn số lượng khác như menu sushi 10-25 euro ăn từ A-Z, vì rẻ và vì tiện. (Sushi đa phần do nhà hàng Trung Quốc bán).
Về điều này mấy cụ già Ý không mấy hài lòng. Các cụ cho là bọn trẻ không biết giữ gìn truyền thống. Chúng không biết thưởng thức và không biết sống chậm đi một chút. Chậm đi một chút đứa bạn nó up ảnh món ăn lên Instagram trước thì có mà hết hot hả các cụ ơi?!
Khi người Ý ăn ở nhà
Tùy lứa tuổi, kiểu gia đình và phong cách ẩm thực mà người Ý có cách ăn uống khác nhau. Gia đình chỉ có hai người cao tuổi và về hưu thường ăn đơn giản và ăn sớm hơn người khác khoảng một tiếng. Thế nhưng ra chợ thì lúc nào cũng thấy người già thủng thẳng xách giỏ đi mua đồ ăn vào tầm cao điểm, làm như thể cả ngày họ bận lắm nên chỉ có lúc đó họ mới rảnh để đi chợ.
Những gia đình trẻ hơn có vợ chồng và con cái lớn thì họ thường ăn uống thịnh soạn. Thường người phụ nữ sẽ nấu ăn, người đàn ông sẽ phụ dọn dẹp. Hoặc ngược lại, người phụ nữ dọn dẹp còn người đàn ông nấu. Con cái lớn có thể phụ dọn bàn trong khi kể chuyện trường lớp, công việc, các hoạt động thể thao, nghỉ ngơi, v.v.
Dọn bàn ăn
Trên bàn ăn sẽ có hai loại đĩa, một sâu lòng để ăn súp hoặc ăn mì loại có nước. Đĩa này sẽ đặt trên một đĩa khác to và nông hơn, dùng để ăn thịt hay cá. Còn có vài cốc loại dày, nhỏ và thấp để uống nước hoặc rượu vang. Xung quanh đĩa người ta bố trí dao thìa nĩa (le posate): dao bên tay phải cùng với thìa; dĩa/nĩa sắp bên trái, còn thìa nhỏ đặt phía trên. Khăn ăn hình vuông gấp đôi đặt dưới dao và thìa. Giữa bàn là rổ bánh mì, salát trộn đựng trong thố lớn, chai nước, chai rượu, gia vị như dầu oliu, giấm (loại truyền thống đặc quánh nếu gia đình đó ở vùng Emilia Romagna).
Thức ăn được dọn ra từ từ từng món cho nóng. Người Ý ăn mì hoặc súp trước. Ăn xong súp bố, mẹ, hoặc con lớn mang đĩa súp và thìa đi dọn và mang đĩa to vào bếp để dọn món thứ hai. Sau đó, ai nấy trở lại bàn và ăn, đôi khi họ mang cả nồi ra múc tại bàn. Món thứ hai ăn kèm với salát và bánh mì.
Nhà bếp Ý thường được trang hoàng rất nhiều dụng cụ hỗ trợ công việc bếp, trong đó có máy rửa chén. Người Ý có thể cực nhọc nấu ăn cả ngày, nhưng khi ăn xong thì hầu như không có cảnh hì hục rửa bát chén. Thời gian đó họ để hưởng thụ, để tiêu hóa thức ăn. Bát đĩa được tráng qua dưới vòi nước chảy mạnh (họ xả nước rất mạnh). Sau đó, họ cho tất cả vào máy rửa chén và ra ngoài nhà khách ngồi chơi.
Đến nhà người Ý ăn tiệc
Khi bạn được mời tới nhà người Ý ăn tiệc, dù tiệc lớn hay tiệc nhỏ, dù quan trọng hay không, nếu là bạn thân, thì việc đầu tiên bạn cần làm là hỏi xem có cần bạn mang gì không. Hãy hỏi xem họ có cần bạn tới giúp một tay và tiện học cách họ nấu. Người Ý sẽ chuẩn bị nguyên liệu một cách rất chu đáo nên sẽ bảo bạn không cần mang gì cả. Nếu là chỗ thân tình họ sẽ nhờ bạn mua thứ gì đó mà họ quên.
Nên mang theo quà
Dù là xã giao hay thân tình, khi đến nhà chơi hay ăn tiệc bạn không nên đi tay không. Bạn không cần phải mang gì to tát và cầu kì. Biết sở thích đặc biệt của chủ nhà là một lợi thế. Ngược lại, bạn có thể mua cái gì đó để mọi người cùng nhấm nháp sau bữa ăn. Có thể mang bánh ngọt tráng miệng, sô cô la, một vài loại trái cây đặc biệt hay bia rượu.
Sau rất nhiều lần phá cách và cố tình giới thiệu ẩm thực nước mình cho các bạn, bằng cách đóng góp vài món tự chuẩn bị, mình rút ra một điều: mang một chai rượu vang, loại vang tĩnh, có giá tầm 5-15 euro đến ăn tiệc nhà bạn là hợp lý nhất. Bánh ngọt có thể thừa, trái cây có thể không phù hợp với chủ đề tiệc (ít khi người Ý ăn trái cây ngay sau bữa tối), nhưng rượu vang dù ngon dù dở vẫn không bao giờ trật và không bao giờ thừa: không uống hôm nay thì họ sẽ uống hôm khác.
Nên đến đúng giờ được mời
Nếu người Ý mời bạn tới ăn tối lúc 8 pm thì bạn nên tới đúng giờ. Lúc đó người ta mới chuẩn bị và nấu một số món nóng. Nếu bạn không tới đúng giờ họ sẽ không nấu đâu. Họ sẽ không nấu tất cả rồi sau đó bưng bày hết ra bàn tiệc như ở ta. Họ sẽ nấu từng món. Món nào cần nhiều thời gian thì họ sẽ chuẩn bị trước và hâm nóng rồi bưng ra từng món một.
Vừa nấu họ vừa mở một chai rượu vang và rót cho khách uống ngay trong bếp, hoặc uống trong phòng khách. Cứ thế, họ chạy qua chạy lại giữa hai phòng để nấu và để uống. Sẽ dễ gặp cảnh này nếu chủ nhà là người trẻ tuổi. Ban đầu mình thấy sao mà họ bợm nhậu thế nhưng sau này mới hiểu là đó là cách họ khai vị.
Nếu buổi tiệc quan trọng hơn một chút hay để thết đãi khách quý, người Ý sẽ làm món Lasagna – Pasta nhiều lớp. Đến ăn mà thấy người ta đãi mình lasagna thì bạn biết là người ta quý mình, vì món này rất công phu và cầu kì. (Mình sẽ chia sẻ với các bạn công thức step by step món này của bếp trưởng Ý khách sạn năm sao sau).
Tại bàn ăn, tốt nhất, bạn nên ăn hết phần của mình và nhớ khen món ăn của họ như một cách để cảm ơn.
Người Ý nói gì khi ăn?
Khi ăn người Ý vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện, họ nói cả về món ăn. Ăn xong họ thường ngồi lại uống trà, cà phê (kể cả tối) và tiếp tục nói chuyện rất lâu, đôi khi là chơi trò chơi ở bàn nước, nếu cảm thấy mệt bạn có thể chào ra về vì nếu đợi đến hết câu chuyện thì chắc chắn bạn sẽ ngủ gục.
Trong bữa tiệc có nhiều người, thường là tiệc đứng, thì người Ý thường tụm thành nhóm hai người một nói chuyện, sau đó họ lại đổi nhóm và cứ thế nói cho đến khi khách về hết. Hiếm khi trong một bàn tiệc hay bữa tiệc mà tất cả mọi người lại cùng nói chuyện với nhau hoặc một người nói thì tất cả mọi người khác nghe. Ban đầu điều này có thể khiến bạn thấy chán và loãng nhưng hãy làm quen với điều đó bằng cách bắt chuyện với một người trong buổi tiệc.
Còn trải nghiệm về người Ý ăn uống của các bạn thì sao? Đã bao giờ các bạn ngủ gục trong các bữa tiệc ở Ý chưa? Bạn có gặp phải tình huống dở cười dở khóc nào liên quan đến việc ăn uống với Ý không? Hãy chia sẻ với Thảo ở đây nhé!
Bây giờ em mới hiểu sao a kia mời e ghé nhà lúc 8pm để a ấy nấu ăn cho. Em đã từ chối vì nghĩ nó hơi kỳ. Ra là do múi giờ khác nhau thôi.
Vậy chủ động mời lại ảnh đi.
Cái này không liên quan lắm lắm nhưng em thấy cx hay. Đại khái là không hok hiểu xem hình cũng hiểu: https://youtu.be/b1ChsDQI7yA
Ừ, cái này là nhóm Casasurace ở Napoli chọc mấy người nước ngoài không biết làm pasta ấy mà. Còn nhiều video của nhóm này lắm, em thử xem thêm đi. Cười chết!