Giáng Sinh ở Ý: Mùa lễ lớn nhất trong năm
Mùa Giáng Sinh ở Ý là một mùa lễ thiêng liêng*, mùa lễ của gia đình và được người Ý chờ đón nhiều nhất trong năm. Ở Việt Nam, không chỉ có giáo hội Kitô mới rộn ràng mừng vui, mà các bạn trẻ cũng khấp khởi trong lòng vì sắp được … đi chơi Nô-en. Có bao giờ các bạn thử hỏi người Ý ăn mừng Giáng Sinh thế nào chưa? Giáng Sinh có ý nghĩa gì với người Ý? Cả nước Ý đều tổ chức giống nhau hay sao? Có kỷ niệm giống như trong các bộ phim Mỹ hay có giống ở Việt Nam không? Hãy cùng Thảo tìm hiểu trong bài này nhé!
*Lưu ý: Kitô giáo là tôn giáo phổ biến nhất của Ý và tôn giáo này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và văn hóa của người Ý. Giáng Sinh là một lễ quan trọng của tôn giáo này, do đó khi viết về nó mình không thể không nhắc đến các chi tiết liên quan đến các nghi thức và quan niệm của tôn giáo này. Tuy vậy, trong bài này mình không bàn về tôn giáo (vì không đủ kiến thức) mà chỉ có mục đích giải thích về mùa Giáng Sinh ở Ý dưới góc độ văn hóa.
Giáng Sinh ở Ý có mấy ngày? Tại sao gọi là mùa?
Mốc đầu tiên
Khởi đầu mùa Giáng Sinh ở Ý là ngày 08/12, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội – L’immacolata Concezione. Đây là lúc Đức mẹ Maria*, tức mẹ của Giêsu, thụ thai và đồng thời được hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội, il peccato originale. Tức bà không bị mắc tội ô nhiễm bụi trần vốn được truyền lại cho loài người bởi Adam và Eva.
Ở đây mình không bàn tính xác thực của sự kiện này, chỉ biết Pio IX đã ấn định lễ kỷ niệm từ năm 1854 và gọi là lễ l’Immacolata Concezione. Đến đây xin bàn chút tiếng Ý: concezione là thụ thai; trong immacolata thì macolata là bị vấy bẩn, tiếp đầu tố in- là “không”, khi đứng trước [m] in bị đồng hóa thành im. Vậy là không bị vấy bụi trần qua việc mang thai.
Bắt đầu từ ngày 08/12 nhà thờ và người Ý sẽ chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Từ đây sẽ kỷ niệm cho đến hết Pasqua và Pasquetta, tức lễ Phục Sinh và Lễ Thứ Hai Cừu, sẽ diễn ra vào tháng tư năm kế tiếp. Trong khoảng này, có nhiều lễ khác mà mình sẽ đề cập từng bước.
Mốc thứ hai
Mốc quan trọng thứ hai sau l’Immacolata concezione là từ 18:00 ngày 24/12*. Từ thời điểm này người ta gọi là Vigilia di Natale – Lễ Vọng Giáng Sinh, tức chờ Giáng Sinh. Tục lệ kỷ niệm Lễ Vọng, như mình đã đề cập trong bài Giờ giấc tiếng Ý, hình thành do đổi lịch và cách tính lịch. Theo cách tính mới, các lễ bị lùi mất một ngày, để kỷ niệm ngày lễ theo lịch cũ, người ta ăn mừng ngày Vọng. Theo Kitô giáo, ngày 24/12 cũng là ngày cuối cùng của lịch phụng vụ Calendario liturgico – l’Avvento. Đêm 24/12 vì thế sẽ chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
*Đối với những nhà thờ theo lịch giuliano (trong đó có Orthodox và một số nhà thờ khác) thì Lễ Vọng rơi vào ngày 06/01, tức lệch 13 ngày.
Mốc thứ ba
Mốc quan trọng nhất trong chuỗi kỉ niệm là Ngày Giáng Sinh – Natale. Như vậy, ngày Giáng Sinh là ngày 25/12, luôn là thế, kể cả theo lịch cũ lẫn lịch mới, lịch kitô giáo lẫn ngoài Kitô giáo.
Ở Việt Nam, nhiều bạn còn lầm tưởng Giáng Sinh là ngày 24/12. Do vậy, kỷ niệm Giáng Sinh vào ngày hay đêm 24/12 là chưa chính xác. Có thể giải thích việc đi chơi Nô-en vào tối 24/12 của mấy bạn là do tối thì dễ đi hơn, ngày hôm sau vẫn phải đi học, đi làm. Đi lâu thành quen và quên luôn ngày chăng?
Mốc thứ tư
Sau Giáng Sinh còn có Lễ San Stefano 26/12, điểm mốc thứ tư này cũng rất quan trọng trong Kitô giáo.
Tiếp đến là lễ đón năm mới Capodanno 01/01, lễ này ngoài Kitô giáo nên thường không được để ý lắm.
Mốc thứ năm
Điểm mốc thứ năm quan trọng là Lễ Hiển Linh Epifania hay Befana, diễn ra vào ngày 06/01 của năm kế tiếp Giáng Sinh. Lễ này được hiểu theo truyền thống như sau: Befana là một bà cụ già nua đại diện cho năm cũ đã qua, bà thường mang kẹo tặng trẻ con đại diện cho những may mắn trong năm mới.
Bên Kitô giáo thì truyền rằng một bà cụ già nua được ba Vua Magi hỏi đường để đến gặp Giêsu hài đồng. Sau khi được chỉ đường, ba Vua mời bà Befana đi cùng nhưng bà nhất định từ chối. Khi ba người đi khỏi, bà thấy tiếc nên đi tìm, nhưng không thấy. Thành thử bà đi lang thang khắp nơi để gặp trẻ con và cho chúng kẹo với mong muốn một ngày sẽ gặp được Giêsu là một trong những đứa trẻ đó.
Sau ngày Befana, mọi nẻo đường và mọi nhà, người Ý bắt đầu dỡ và dọn dẹp đồ trang trí Giáng Sinh. Trẻ em thì đi học, người lớn thì đi làm, người già lại đi dạo và đi nhà thờ. Tất cả ai nấy đều mong cho đến Lễ Phục Sinh – Pasqua.
Mốc thứ sáu
Điểm mốc thứ sáu quan trọng là Domenica delle Palme (nguyên văn Ngày chủ nhật Cành Cọ). Bên Kitô giáo ở Việt Nam gọi là Chúa nhật Lễ Lá. Lễ này diễn ra vào chủ nhật ngay trước Lễ Phục Sinh. Lễ này tưởng niệm Giêsu tiến vào thành Jerusalem những ngày trước khi chịu khổ hình.
Tại sao cành cọ lại liên quan? Tại sao ở Việt Nam lại gọi là Lễ Lá? Thứ nhất, vì khi Giêsu tiến vào thành Jerusalem thì người dân ở hai bên đường cầm lá cọ (chắc là đặc sản của vùng) vẫy chào. Ngày nay để tưởng niệm, ở mỗi vùng người ta lại lấy một loại lá đặc trưng để thay thế. Ví dụ người thì lấy cây tùng, người lấy cây liễu, người Ý lấy cành ôliu, người Việt thì lấy lá dừa. Có lẽ cũng từ đây mà cái tên “Lễ Lá” ra đời chăng? Nghe có vẻ hợp lý hơn là “Lễ Cành Cọ” nhỉ?
Người Ý đi nhà thờ và xin lộc cành cọ vào ngày này. Ở Ý, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, vì không có cọ nên người ta đã thay thế bằng cành ô liu. Mình còn nghe người Ý truyền miệng rằng ngoài cọ thì còn có người cầm cành ô liu lúc chào đón Giêsu năm xưa. Nói như thể làm cho ôliu trở nên hợp lý vậy! Thực ra, việc cầm cành ô liu trong ngày này còn là biểu tượng về sự yêu chuộng hòa bình.
Vâng, người Ý xin cành ô liu trong nhà thờ, hoặc mua ngoài chợ, mang đến nhà thờ xin ban phước, rồi đem tặng cho bạn bè người thân để người này trưng ở nhà lấy may. Cũng có tục đốt hay chôn cành lá đã được ban phước. Mình năm nào ở Ý cũng mua thêm một cây ôliu cầu yên và cầu may.
Mốc thứ bảy
Mốc quan trọng thứ bảy là lễ Phục Sinh – Pasqua, tức sự hồi sinh của Giêsu. Lễ Phục Sinh diễn ra vào chủ nhật khoảng cuối tháng ba đến gần hết tháng tư. Vào lễ này, người Ý thường ăn bánh bồ câu Colomba hay mua trứng phục sinh Uovo di Pasqua và tặng cho nhau.
Việc dùng bánh bồ câu không phải do ấn định mà phần nhiều do thương mại: người ta từng sản xuất ngôi sao, hình con cừu, v.v. nhưng không mấy thành công. Sau này hình bồ câu được chấp nhận hơn cả và từ đó có tục mua và ăn bánh bồ câu.
Mốc thứ tám
Điểm mốc thứ tám cũng quan trọng không kém đó là Ngày thứ hai Phục Sinh hay Lễ Cừu – Lunedì dell’Agnello, được biết đến rộng rãi trong tiếng Ý là Pasquetta. Lễ này rơi vào thứ hai diễn ra ngay sau chủ nhật của lễ Phục Sinh, để kỷ niệm ngày cừu xuất hiện bên mộ Giêsu.
Theo truyền thống, cả lễ Giáng Sinh – Natale và Phục Sinh – Pasqua người Ý sẽ sum họp gia đình. Trong thời hiện đại, chỉ dân Nam Ý là còn tôn trọng truyền thống này, dân Bắc Ý thiên về tôn chỉ “Natale con i tuoi, Pasqua con chi vuoi” nghĩa là Giáng Sinh với bố mẹ, Phục sinh với ai thì tùy hỉ, ở đây là bạn bè. Thật vậy, vào Phục Sinh – Pasqua, đặc biệt là Lễ Cừu – Pasquetta, thay vì sum họp gia đình người Ý sẽ tụ họp với bạn bè, đi pic-nic hoặc khởi hành đi chơi xa.
Như thấy ở trên, bắt đầu vào mùa Giáng Sinh là từ 08/12 và kết thúc lễ đợt 1 vào 06-08/01, đợt 2 vào tháng tư, do đó, nói Giáng Sinh là mùa không sai!
Rồi. Đến đây cũng đã khá dài, nếu bạn chỉ muốn tìm hiểu các mốc thì thế là đủ. Nếu muốn xem thêm người Ý ăn gì và có hoạt động gì vào mùa Giáng sinh thì mời bạn đọc tiếp.
Người Ý thường làm gì vào mùa Giáng Sinh?
Giáng Sinh ở Ý không giống ở ta, nó không phải là ngày để ra đường tụ họp bạn bè, mà là ngày của gia đình và các nghi thức tôn giáo. Người dân Ý đa phần theo Kitô giáo, không có gì ngạc nhiên khi đây là mùa lễ quan trọng bậc nhất trong năm của họ. Những ngày này giống như Tết ở ta vậy. Các nghi thức của Giáng Sinh và Tết ta tuy có khác, nhưng về đại thể vẫn là gặp gỡ gia đình, ăn uống, chúc tụng và tặng quà.
Chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh ở Ý
Từ ngày 08/12, là ngày Giêsu còn đang trong bụng của mẹ Maria, người Ý bày biện mô hình hoạt cảnh tái hiện lại cảnh Giêsu hài đồng Gesù bambino ra đời, gọi là il presepe. Tất nhiên, lúc này chưa có tượng Giêsu hài đồng. Ở làng Dozza thuộc Bologna, người ta trang trí hoạt cảnh ở bậu cửa sổ trông rất đẹp. Hằng năm, ở đây lại diễn ra cuộc thi trang trí hoạt cảnh và sẽ được trao giải vào ngày 06/01. Ngoài ra, các bạn còn có thể xem hoạt cảnh được diễn bằng người thật, gọi là Presepe vivente.
Vào mấy ngày trước lễ Giáng Sinh, người Ý rục rịch vệ sinh và tranh thủ trang trí nhà cửa. Nhiều người còn phải đi làm đến 24/12 nên vào lúc nghỉ trưa thường tranh thủ mua quà cáp để dành tặng bạn bè và gia đình. Trước đây, người Ý mua quà ở siêu thị, ở các cửa hàng bán lẻ của người Ý. Ngày nay, không ít người vào mấy “siêu thị” tả pí lù của người Trung Quốc, để mua được nhanh, được nhiều và tiết kiệm hơn.
“Mâm lễ“
Mâm lễ của người Ý thường là cây thông treo đèn và gắn thiệp gọi là l’albero di Natale và mô hình hoạt cảnh presepe, một vài loại bánh trái đặc trưng và quà tặng. Lại có nhà không trưng cây thông, cũng như ở ta, không phải nhà nào cũng có mai, đào hay quất.
Ngoài đường, người ta treo những vòng nguyệt quế có quả châu óng ánh. Đoạn lại mắc các dây đèn màu rực rỡ uốn lượn theo nhiều hình thù. Ở mỗi quảng trường chính, thành phố lại đặt một cây thông cao vút có trang trí khá đẹp mắt để người dân tụ tập và check-in. Một vài nơi có hoạt cảnh ông già Nô-en Babbo Natale rất vui nhộn.
Nhạc Giáng Sinh được yêu thích nhất ở Ý
Bài truyền thống
- Tu scendi dalle stelle
- Astro del ciel (Stille Nacht)
- Bianco Natal (White Christmas)
- Albero di Natale (O Tannenbaum)
Bài hiện đại
- Caro Bambino Gesù – Andrea Bocelli
- Bianco Natale – Mina
- A Natale puoi – Alicia
- Buon Natale – Renato Zero
- Bianco Natale – Irene Grandi
Chợ Giáng Sinh
Chợ Giáng Sinh nổi tiếng nhất ở Ý có mấy cái sau:
- Verona: 16/11- 26/12: Mercato Vecchio ở Quảng trường Piazza dei Signori “Christkindlmarkt“
- Roma: Storico ritrovo di Piazza Navona 02/12 – 06/01
- Torino: 29/11 – 23/12 Cortile del Maglio
- Milano: Oh Bej! Oh Bej! (Fiera di Sant’Ambrogio) từ 05-08/12 ở khu lâu đài Castello Sforzesco, từ quảng trường Piazza Castello đến đường Via Minghetti, từ đường lộ Viale Gadio đến quảng trường Piazza del Cannone; mercatino di Piazza Duomo, từ 08/12 – 06/01.
- Aosta: Marché Vert Noël, từ 23/11 – 06/01.
- Firenze: Dal 28 novembre al 17 dicembre Piazza Santa Croce.
- Rovereto: 22/11 – 06/01 Natale dei Popoli.
- Napoli: Via San Gregorio Armeno và Via San Biagio dei Librai.
- Benevento: trong lâu đài Castello di Limatola, vào cổng mất phí.
Giáng Sinh ở Ý có tuyết không?
Những năm gần đây Giáng Sinh chỉ có mưa phùn chứ không thấy tuyết. Nhìn chung vào dịp này thời tiết rất lạnh, đặc biệt là ở miền Bắc và vùng núi.
Đêm Giáng Sinh 24/12
Lễ Vọng Vigilia di Natale được người dân Ý kỷ niệm rầm rộ như đêm giao thừa ở ta vậy. Cả gia đình (kể cả gia đình lớn gồm ông bà, cô dì, chú bác) gặp gỡ và ăn uống linh đình vào bữa tối, gọi là Cena di Natale hay Cenone di Natale. Nếu gia đình nào bố mẹ chia tay thì họ sẽ gặp mặt ăn tối ở nhà bố và ăn trưa hôm sau ở nhà mẹ. Thường thì bữa tiệc chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, nhưng ai có bạn bè thân thiết hoặc “bơ vơ” đêm Giáng Sinh cũng thường được mời tới dự.
Bữa tối đêm Giáng Sinh có món gì?
Người Ý không ăn gà tây quay như các bạn thấy trong các bộ phim Mỹ mà họ ăn đa dạng hơn và tinh hơn. Thường thì tối 24/12 sẽ ăn cá, trưa 25/12 sẽ ăn thịt. Cũng còn tùy theo vùng mà họ lại có những món “truyền thống” riêng, nhưng nhìn chung thường không thể thiếu mấy món sau:
- Bánh ngọt Panettone và Pandoro.
- Rượu vang.
- Một số vùng ăn thịt lươn.
- Một số vùng ăn thịt cừu.
Dưới đây là một vài món đặc biệt theo từng vùng:
Miền Bắc:
- Vùng núi Tây-Bắc Valle d’Aosta: món carbonade tức thịt bò nấu vang đỏ ăn với bánh mì mật và thịt cừu và dê nguội tẩm thảo mộc.
- Vùng Piemonte nơi có thành Torino không thể thiếu pasta nhồi Agnolotti và thịt luộc kỹ trong nước dùng.
- Vùng biển Liguri: món mì pasta ravioli và cappon magro, tức rau và hải sản
- Vùng Lombardia của kinh đô Milano người ta thích … ăn lươn bọc giấy bạc.
- Vùng Veneto nói chung người ta ăn bột ngô với cá tuyết polenta con baccalà.
- Vùng Trentino-Alto Adige người ta ăn canederli, thịt dê bỏ lò và tráng miệng bằng strudel nhân mứt.
- Vùng Emilia Romagna: Tortellini mì pasta hình nhẫn nhồi nhân thịt nấu trong nước dùng với rau củ, cà rốt và nước xương trong và rất thanh; mì tagliatelle, pasta nhiều lớp lasagne và thịt nguội prosciutto. Ở Modena mình còn thấy người Ý ăn cá như spagetti với cá ngừ, hay cá tuyết hầm, hay món thịt giò lợn muối nhừ cotecchino – zamponi và lenticchie (thường vào năm mới).
Miền Trung:
- Vùng Lazio của thủ đô Roma: các món rau chiên, lươn, súp cá, súp broccoli, kẹo torrone.
- Vùng Toscana ăn bánh gan crostini di fegatini, ngỗng, vịt quay và xúc xích hạt thìa là.
- Vùng Marche có mì pasta maccheroncini truyền thống.
- Vùng Umbria có mì pasta cappelletti nấu trong nước dùng.
Miền Nam:
- Vùng Campania và thủ phủ Napoli: Nước súp gà trống thiến, lươn, spaghetti nghêu, bánh mì mặn friselle, gà nhồi và kẹo viên struffoli
- Basilicata: canh bắp cải trong nước dùng gà tây, cá tuyết hấp và bánh mì hạnh nhân.
- Vùng Calabria: các món thịt nguội như thịt ba chỉ xông khói, coppa; spaghetti với cá mòi và thịt dê hoặc cá ăn với broccoli.
- Vùng Puglia: ngồng cải, pasta chiên nhồi cà chua, nụ bạch hoa, kinh giới cây, cá mòi, tôm, và phô mai ricotta, lươn chiên và cá tuyết chiên, thịt cừu bỏ lò ăn với hành đắng. Tráng miệng với turdilli.
- Vùng đảo Sardegna: mì pasta ravioli nhồi cà chua, pasta khoai tây gnocchi với sốt xúc xích.
- Vùng đảo Sicilia: Sa lát cam, hành, gà nấu nước dùng, mì cá mòi, và bánh cannoli.
Tặng quà đêm Giáng Sinh
Ở Ý, không chỉ có Ông Già Nô-en Babbo Natale, mà tùy vùng, ở Ý còn có Santa Lucia, thánh San Nicola, v.v. sẽ tặng quà cho trẻ em. Tuy nhiên, đa phần các gia đình đều tự tặng quà cho nhau ở tại nhà. Trẻ em là thích nhất vì không phải chuẩn bị quà cho ai nhưng lại được mọi người tặng.
Sau khi ăn uống xong, nếu không đi dự lễ nhà thờ đêm Giáng Sinh thì người Ý sẽ tặng quà cho nhau. Mỗi thành viên trong gia đình (hạt nhân hoặc lớn) đều tự chuẩn bị quà cho tất cả các thành viên còn lại. Mọi người thường hỏi xem có bao nhiêu người tham dự để chuẩn bị đủ số quà. Đây vốn là một nghĩa cử mà người Ý muốn dành cho nhau trong dịp thiêng liêng này. Khi được tặng quà (kể cả cho các dịp khác) người nhận thường mở ngay và sau khi xem thì ôm và hôn lên hai bên má của người tặng để cảm ơn.
Quà là bất cứ thứ gì bạn thấy hữu ích với người kia, không quản giá trị hay số lượng.
Khổ thân mấy ông già, bà già Nô-en
Ngày nay khi kinh tế eo hẹp, giá cả đắt đỏ, việc tặng quà đối với một số “ông/bà già/trẻ nô-en” như một gánh nặng. Vì thế nhiều bạn của mình đã phải suy nghĩ rất nhiều về việc mua quà sao cho vừa tiết kiệm nhưng vẫn đem lại niềm vui cho người được tặng. Quả là đau đầu!
Lần nọ cô bạn mình bị trả lương chậm nên cô viết thiệp hẹn tặng cho bố mẹ một chuyến đi dạo cùng cô ấy trên núi ngay kế bên nhà vào mùa xuân. Khi nhận được tấm thiệp cả nhà cười như nắc nẻ.
Sau này mình mang chiêu này về áp dụng lì xì cho cháu gái mình. Người duy nhất cười như nắc nẻ là mình, còn cô cháu mình thì chỉ bảo “Cô Thảo kì quá à!”
Ngày Giáng Sinh 25/12
Nếu đêm hôm trước gia đình đi lễ nhà thờ thì sáng hôm sau khi trẻ em thức dậy vào buổi sáng sẽ đòi mở quà.
Sau lễ buổi sáng ở nhà thờ sẽ là bữa trưa Giáng Sinh thịnh soạn không kém. Gia đình tụ họp ăn uống và nói chuyện đến chiều trước khi đi dạo hoặc đi chơi. Trẻ em thường đi chơi trượt băng trên các sân băng nhân tạo.
Vào ngày này người Ý sẽ ăn bánh Giáng Sinh truyền thống Panettone và Pandoro. Hai bánh này ăn và uống trà thì tuyệt hảo. Bánh Panettone (Pane di Toni) ra đời tại Milan, có hình trụ lùn có vỏ bánh hơi giòn, ăn dai hơn và vị như bánh mì ngọt, thường có trộn mứt trái cây hoặc hạt sô cô la. Trong khi Pandoro ra đời tại Roma/Veneto hình nón bẹt đầu có cạnh góc, mềm và mịn hơn ăn vị bơ và vani, có phủ đường lụa mịn vellutato. Một số thương hiệu nổi tiếng nhất là Bauli và Motta.
Người Ý thường chia làm hai nhóm: nhóm thích Panettone và nhóm thích Pandoro. Mời bạn xem thêm tại đây.
Lễ năm mới Capodanno
Sau lễ San Stefano ngày 26/12 thì người Ý trở lại đi làm cho đến 29-30/12 trước khi nghỉ năm mới. Nhiều người được nghỉ cho đến hết ngày 06/01. Nhiều doanh nghiệp lại yêu cầu đi làm sớm hơn.
Rất nhiều người Ý không ở lại thành phố hay nước Ý vào dịp năm mới. Họ thường đi du lịch khám phá một vùng mới. Vì thế dịp này mà bạn đi chơi nước ngoài sẽ gặp toàn những người Ý là người Ý.
Ai ở lại Ý sẽ tụ tập với bạn bè ở các quảng trường lớn của thành phố, nơi có lễ hội để cùng nhau đón giao thừa. Nhạc DJ, rượu, bia, sâm-panh, prosecco, pháo, giày cao gót, tuổi trẻ. Các cô gái trang điểm đậm, ăn diện và sexy hết nấc. Lạnh thấu xương nhưng mấy cô hở được chỗ nào là hở. Các chàng chai thì thanh lịch trong những bộ vest và áo khoác măng tô. Từng đám choai choai đốt pháo tép, pháo hoa, pháo sáng ì xèo ầm ĩ cả quảng trường.
Một số người chuẩn bị sẵn cả một danh sách những điều không muốn gặp lại vào năm mới. Sau đó họ đem đốt ở một nơi thoáng đãng trước thềm năm mới. Tục này gọi là bruciare i vecchioni.
Khi đếm ngược đến 1 thì mọi người hô vang “Buon anno [nuovo]”. Sau đó mọi người ôm và hôn hai bên má người đi cùng hay người đứng gần nhất. Mấy năm đi đón năm mới mình cũng buồn vui lẫn lộn nhưng không lúc nào giây phút đồng hồ điểm sang năm mới là không bồi hồi.
Mình đã dự tiệc Giáng Sinh ở Ý …
Lần đầu tiên đến ăn tiệc Giáng Sinh ở Ý mình ngơ như bò đội nón. Đêm đó mình đến giúp chuẩn bị nấu ăn và tất nhiên là không chuẩn bị quà. Lúc cả nhà trao quà, và có trao cho mình, mình chỉ muốn độn thổ. May quá có cô bạn đỡ cho mình bảo là Thảo đã nấu cho cả nhà món ABC rồi còn gì … Sau lần đó mình chừa.
Mẹo nhỏ cho bạn khi được mời đi ăn tiệc Giáng Sinh ở Ý: hãy chuẩn bị vài món quà nhỏ cho những người quan trọng nhất trong gia đình của bạn mình. Mua gì bây giờ? Có thể mua túi nước nóng vì người Ý rất thích dùng túi này, mua sách, mua mũ/nón/găng tay, cục xà bông thơm, v.v.
Ngoài mấy lần đến nhà bạn ăn Giáng Sinh thì mình cũng ở lại thành phố một mình để ngắm mọi người chuẩn bị. Quả thực Giáng Sinh mà ở một mình thì rất cô đơn. Mọi thứ đều chạy chậm, cả không gian lẫn thời gian gần như ngừng chuyển động. Nếu bạn là sinh viên nghèo và phải ở lại Ý dịp này thì tốt nhất là đi gặp bạn bè người Việt chứ đừng ở một mình nhé!
Buon Natale e Felice Anno Nuovo a tutti!
Chúc mừng Giáng Sinh và chúc một năm mới hạnh phúc sẽ với đến mọi người!
COMMENTS