Giờ giấc tiếng Ý: 12 hay 24?

Tích tắc đồng hồ quay vòng,

tích tắc tích tắc đồng hồ quay vòng,

từng ngày từng ngày…

Người Ý nói giờ giấc như thế nào? Họ dùng hệ giờ 12 giờ hay 24 giờ? Đằng sau những con số đơn giản ấy ẩn chứa nhiều quan niệm và yếu tố văn hóa khá thú vị. Bài này ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết cách nói giờ giấc tiếng Ý: cách hỏi giờ – cách trả lời – cách nói thời điểm – ngày tháng năm – mùa – dịp – các thành ngữ liên quan đến giờ. Trước tiên thử tìm hiểu xem một ngày bắt đầu từ khi nào và được chia làm mấy phần.

 

1. Các buổi trong một ngày

Tuy không có sự phân định rạch ròi giữa các phần trong ngày, nhưng về đại thể ngày nay người Ý chia một ngày thành:

  • Đêm – notte: 00:00 – 04:59 (cũng 23:00 – 04:00)
  • Sáng – mattino: 05:00 – 11:59 (cũng 06:00 – 11:00)
  • Chiều – pomeriggio: 12:00 – 17:59 (cũng 13:00 – 18:00)
  • Tối – sera: 18:00 – 23:59 (cũng 19:00 – 22:00).

Như vậy ngày mới bắt đầu từ…nửa đêm hôm trước, được đánh dấu bằng 00:00 và kết thúc vào nửa đêm hôm sau 24:00 (không gồm thời khắc này). Ngoài ra phần nửa sau của buổi tối (sera) và đêm (notte) thường được dùng lẫn lộn.

Trong đời thường chúng ta vẫn coi đêm sẽ kéo dài đến tận bình minh của ngày hôm sau. Khi thể hiện bằng ngôn ngữ thì người Việt nhất quán, người Ý thì không. Nếu một người Ý đi ngủ từ 23:00 đến 07:00 ngày hôm sau, khi tỉnh dậy họ sẽ nói:

  • Stanotte ho sognato di ritornare a Perugia.
  • Nguyên văn: Đêm nay tôi mơ quay lại Perugia.
  • Tiếng Việt (cũng như tiếng Anh): Đêm qua tôi mơ quay lại Perugia.

Trong câu tiếng Ý sta- chỉ hôm nay, tức ngày vừa mới đến. Tuy nhiên notte lại chỉ đêm đã qua. Rất có thể họ ý thức được rằng khoảng thời gian mà họ “tưởng” là đêm nhưng thực ra là của ngày hôm nay chăng?

Phải nói rằng nguyên nhân sâu xa có thể nằm ở cách chia ngày cũ. Vào thế kỷ 14, khi có đồng hồ cơ người Ý bắt đầu đếm giờ từ 1-24. Ngày mới bắt đầu từ hoàng hôn của ngày hôm nay 18:00 đến hoàng hôn của ngày hôm sau 18:00. Nếu trong khoảng này mà ngủ mơ thì rõ phải là đêm nay (stanotte) chứ không phải đêm qua (ieri notte) được. Vào thế kỷ 18 người Pháp chiếm đóng Ý. Quá hoảng sợ với khung thời gian của Ý, Pháp ấn định cách tính ngày như ngày nay. Từ đây ở Ý xuất hiện tục kỷ niệm các ngày tiền lễ “vigilia” (di Natale, di capodanno, v.v.): để lưu dấu những phong tục đã bị dời ngày do lịch mới. Vậy đêm giáng sinh không phải là đêm 24 mà phải là từ 18:00 ngày 23.

Điều này có lý giải được giờ giấc cao su của người Ý không nhỉ: Họ bị lệch múi giờ từ thế kỷ 18 đến bây giờ sao? Để kiểm tra, hãy đi hỏi giờ người Ý.

2. Mấy giờ rồi?

  • Che ora è? Che ore sono? (Mấy giờ rồi?)
  • Mi puoi/può/potresti/potrebbe dire che ore sono? (Trang trọng)
  • Mi sai/sa dire l’ora? (Thân mật)

Hỏi: Đã Che ora è được rồi, Che ore sono? chi dzậy?

Đáp: Đã Mấy tuổi được rồi, đẻ ra Bao nhiêu tuổi làm gì thế?

Hầu hết mọi người trên các diễn đàn, trong đó có quora, trasparent, thậm chí chém sỹ chuyên nghiệp và có trình độ như corriere.it cũng cho rằng hai cách hỏi trên tương đương nhau. Chỉ có WordReference là tinh tế hơn một tẹo. Cụ thể, dùng số ít khi người hỏi giờ biết đang ở trong khung giờ “nhỏ” (1h chẳng hạn). Ngược lại, dùng số nhiều khi trong khung giờ lớn hơn (ví dụ 10h).

So sánh: trong tiếng Việt nếu hỏi “mấy tuổi” ta biết người được hỏi đã được định trong khung dưới 10 (cùng lắm là nhích lên 15). Ngoài ra phải dùng “bao nhiêu”. Nếu gặp ông cụ tầm 70 mà hỏi cụ năm nay “mấy tuổi” thì cụ thưởng cho bạt tai. Trong Nam vẫn nghe người ta dùng “mấy” ở trường hợp thứ 2.

Hỏi giờ thôi đã tốn giấy mực thế rồi, giờ trả lời còn tốn gấp bội.

a) Giờ chẵn (tròn) – có phút lẻ sau giờ, nói:
  • 8:00 – sono le otto (đúng: in punto; spaccate [thân mật]);
  • 8:05 – sono le otto e cinque;
  • 8:10 – sono le otto e dieci;
  • 8:25 – sono le otto e venticinque.
b) Khi số phút sau giờ là 15, nói:
  • 8:15 – sono le otto e quindici; sono le otto e un quarto;
c) Khi số phút lẻ là 30, nói:
  • 8:30 – sono le otto e trenta hoặc sono le otto e mezzo/mezza.
  • 8:35 – sono le otto e trentacinque;
d) Từ 40 phút trở lên, nói:
  • 8:40 – sono le otto e quaranta; sono le nove meno venti;
  • 8:45 – sono le otto e quarantacinque; sono le otto e tre quarti; sono le nove meno un quarto;
  • 8:50 – sono le otto e cinquanta; sono le nove meno dieci;
  • 8:55 – sono le otto e cinquantacinque; sono le nove meno cinque.
e) Giống và số khi nói giờ

Phần lớn các giờ dùng số nhiều và giống cái, trừ: l’una (1 giờ), mezzogiorno (giữa trưa – 12 giờ trưa) và mezzanotte (nửa đêm – 12 giờ đêm).

  • 13:00 (01:00) – è l’una;
  • 00:00 – è mezzanotte;
  • 12:00 – è mezzogiorno;

Kể cả sau những giờ nếu có phút lẻ vẫn dùng số ít:

  • 13:15 – è l’una e un quarto;
  • 13:35 – è l’una e trenta cinque;
  • 12:45 – è mezzogiorno e quaranta cinque; è mezzogiorno e tre quarti; è l’una meno un quarto;
  • 00:30 – è mezzanotte e mezzo;
  • 12:00 – è mezzogiorno e mezzo;
  • 00:40 – è l’una meno venti.

            Có bạn nào biết vì sao những trường hợp này lại dùng số ít không? Rất có thể dưới 2 đều là số ít. L’una – 1; mezzanotte/ mezzogiorno – một nửa, kể cả 13:45 – 2 giờ thiếu 15 vẫn là ít? Phỏng ạ?

Lưu ý:

  • Mezzogiornomezzanotte không dùng với mạo từ;
  • L’una có mạo từ số ít giống cái;
  • Các giờ khác có mạo từ số nhiều giống cái.

3. Bảng tổng hợp cách nói giờ

GiờHệ 24 giờquarto/mezzo/menoHệ 12 giờ
8:15le otto e quindicile otto e un quartole 8 e 15 di mattina
8:30le otto e trentale otto e mezzo/ale 8 e 30 di mattina
8:45le otto e quarantacinquele nove meno un quarto 

 

 

le otto e tre quarti

le 8 e 45 di mattina
12:00le dodici è mezzogiorno
24:00le ventiquattro è mezzanotte
18:00le diciotto le 6 di pomeriggio
19:00le diciannove le 7 di sera
23:00le ventitré le 11 di notte
      
8:00le otto in punto/ spaccate (thân mật)

4. Vào mấy giờ?

A che ora? Không nói A che ore?

  • All’una
  • Alle 9
  • Alle tredici
  • A mezzanotte
  • A mezzogiorno

Cách nói phút lẻ ra như đã trình bày ở trên.

5. Từ mấy giờ

Da che ora? Da che ora a che ora? Không thấy nói da che ore?

  • Dall’una (alle 10)
  • Dalle 9 (alle 10)
  • Dalle tredici (alle venti)
  • Da mezzanotte (al mattino)
  • Da mezzogiorno (al pomeriggio)

6. Hệ thống 12 giờ hay 24 giờ?

Hệ thống 12 giờ với AM tương đương các giờ từ 00:00 đến 11:59, và PM – từ 12:00 đến 23:59. Hệ thống này thường được dùng trong các nước có diện tích lớn hoặc đặc thù, theo Wikipedia: Ấn Độ, Mỹ, Philippine, Úc, Canada (trừ Québec). Nhiều nước khác dùng cả hai hệ thống như trường hợp Italia: 12 giờ để nói, 24 giờ để viết. Không nhiều nhưng hệ thống 24 giờ vẫn được dùng trong văn nói, kể cả trong tình huống giao tiếp không trang trọng. Lựa chọn hệ thống nào là tùy thói quen của mỗi người.

  • 13:40 – è l’una e quaranta; sono le tredici e quaranta;
  • 20:50 – sono le nove meno dieci; sono le ventuno meno dieci.

Trong lĩnh vực y học người ta quy định dùng hệ thống 24 giờ để tránh mọi hiểu lầm, rắc rối. Những trường hợp sau người Ý hay dùng hệ 24 giờ:

  • Để biết giờ chiếu phim hay giờ hẹn, có thể hỏi:
    • A che ora comincia il film?
    • Alle venti (20:00).
  • Để biết khoảng thời gian:
    • Da che ora a che ora lavori?
    • Dalle sette alle nove (07:00-09:00)
    • Da mezzogiorno a mezzanotte (12:00-24:00)
    • Dalle tredici alle diciassette (13:00-17)
  • Để làm rõ giờ muốn nói:
    • A che ora hai lezione d’italiano?
    • Alle 7
    • Alle 7?
    • Alle 19:00.

Nếu dùng hệ thống 12 giờ trong khi nói, người ta có thể thêm vào sau giờ các định tố sau: di pomeriggio, di mattino, di sera, di notte, cũng thấy del pomeriggio, del mattino, della sera, della notte.

Ví dụ: alle dieci di sera, alle 10 del mattino, alle 3 di notte.

Tò mò: Người Nhật, Hồng Kông có thể nói 24:05’ vì thời gian làm việc có thể kéo dài quá nửa đêm, do đó vượt hệ thống 24 giờ. Ở Đan Mạch người ta in vé 27:45 thay vì 3:45 AM.

7. Thứ

Hôm nay là thứ mấy?

– Che giorno è oggi?

– Oggi è lunedì

Không dùng mạo từ trước các thứ trong tuần. Có thể giải thích như sau: vì thứ chỉ có 7, là con số nhỏ nên rất gần gũi và dễ nhớ. Do đó nó được dùng như thể “mạo từ xác định”.

Nếu dùng mạo từ trước các ngày trong tuần nghĩa là tất cả các ngày đó trong năm, trong cuộc đời.

Ví dụ: Faccio la spesa il sabato. Tôi đi chợ vào các ngày thứ bảy (trong tuần, tháng, năm, cuộc đời).

Ta sẽ thấy rõ hơn điều này ở phần ngày tháng năm.

Tò mò:

  • : ngày (cũng nói buon dì ~ buongiorno)
  • Lunedì: dì della luna – ngày Mặt Giăng
  • Martedì: dì di marte – ngày sao Hỏa
  • Mercoledì: dì di mercurio – ngày sao Thủy
  • Giovedì: dì di giove – ngày sao Mộc
  • Venerdì: dì di venere – ngày sao Kim
  • Sabato: ngày Shabbath, từng phải là saturdì – dì di Saturno – ngày sao thổ
  • Domenica: được nhà nhờ thiên chúa giáo ấn đổi (imporre) từ năm 383, từng phải là solis dies (tiếng Latin) hay có thể phiên tiếng Ý theo quy tắc trên là soldì – dì del sole – ngày mặt giời (không có soldi thì đúng là không có mặt giời thật)

Dấu ấn các hành tinh của thứ bảy và chủ nhật ngày sau còn lưu trong tiếng Anh: SaturdaySunday.

giờ giấc tiếng Ý

8. Ngày

Hôm nay ngày mấy? Qual è la data di oggi?

  • Oggi è il 19
  • Oggi è il 19 marzo
  • Oggi è il 19 marzo 2019

9. Tháng

Vào tháng mấy? Quand’è? A che mese?

  • A gennaio si comincia il primo trimestre.
  • Nel mese di gennaio si comincia il primo trimestre.
  • In gennaio << Không nói. Cách này là bị nhiễm tiếng Anh.

10. Năm

Vào năm nào? Quand’è? In che anno?

  • Nel 2019 ho scritto l’articolo sull’ora italiana.

11. Thứ ngày tháng năm đi với nhau

Oggi è martedì 19 marzo 2019.

Trường hợp này không dùng mạo từ vì thứ martedì đã xác định sẵn, như nói ở trên.

12. Dịp

Vào dịp nào? Quand’è? In quale occasione?

  • A Natale puoi, fare tutto quello che non puoi fare mai…
  • A capodanno
  • In occasione di sciopero della scuola sono andata a Dalat.

13. Mùa

Vào mùa nào? In che stagione?

  • In primavera cammino.
  • In estate nuoto.
  • In autunno sogno.
  • In inverno dormo.

14. Mezzo hay mezza?

Theo Accademia della Crusca có thể dùng cả hai!

Ví dụ: 8:30

  • Le otto e mezzo => mezzo = la metà (một nửa);
  • Le otto e mezza => mezza = mezz’ora.

Đi sau mezzogiornomezzanotte không dùng mezzamezzo.

15. Một số thành ngữ – tục ngữ với từ chỉ thời gian

  • Fare le ore piccole = đi chơi đêm sáng về cho sớm (1, 2, 3 giờ sáng)

Ví dụ: Ieri abbiamo fatto le ore piccole.

  • Non vedere l’ora di: Mong điều gì quá khiến đứng ngồi không yên.

Ví dụ: Non vedo l’ora di ritornare in Italia.

  • Ore di punta: giờ cao điểm

Ví dụ: Non uscite alle ore di punta.

  • A quest’ora – ormai, a questo punto: đến lúc này thì…

Ví dụ: A quest’ora sarà già arrivato a casa.

  • A tutte le ore – lúc nào cũng được.

Ví dụ: Mi puoi cercare a tutte le ore, se avrai bisogno di me.

  • Alla buon’ora! – (lời cảm thán) = finalmente, meno male, cuối cùng thì…

Ví dụ: Questi soldi sono arrivati alla buon’ora!

  • L’anno sabatico: năm nghỉ ngơi của các giáo sư.

Ví dụ: Il mio tutor ha preso l’anno sabatico per andare in Giappone.

  • A lungo: trong khoảng thời gian dài, lâu.

Ví dụ: Ti ho aspettato a lungo.

  • A momenti muoio: tao đang muốn chết đi được đây.

Ví dụ: Come stai? A momenti muoio

  • Per ore: hàng giờ

Ví dụ: Ti ho aspettato per ore.

  • Fusorario: múi giờ, lệch múi giờ

Ví dụ: Soffri/Hai fusorario?

  • Quarto d’ora accademico: khoảng thời gian trễ trong giới hạn chịu đựng (15 phút) của giảng viên hoặc sinh viên. Dùng trong tình huống châm biếm ai hay đi trễ.

Ví dụ: Marco* non è ancora arrivato? – Macché, quarto d’ora accademico!.

Tò mò: Anh Marco lúc nào cũng được đưa vào tình huống trong đó anh ta phải vắng mặt.

 

COMMENTS

No Comment

Leave a Reply