Động từ đại từ hóa – Verbi pronominali

Ngoài ba dạng đuôi động từ là -ARE, -IRE và -ERE, trong tiếng Ý còn có nhóm không nhỏ các động từ có đuôi -SI như: lavarsi, iscriversi, drizzarsi; hay -SENE như andarsene, starsene, uscirsene; và các đuôi động từ khác như -CI, -NE, -LA, -LE, -CELA, -CENE, -CISI, -SELA.

Ví dụ:

  1. Lan non si lava mai.
  2. Lan si iscrive all’associazione della protezione dei maiali.
  3. Mi si drizzano i capelli.
  4. Van se ne è andata a spasso.
  5. Luca se ne è stato sul divano tutto il pomeriggio.

Một cách không chính thống nhưng khá phổ biến, nhóm động từ này được biết đến với cái tên tiếng Việt động từ phản thân (hoặc tự thân) ‘verbi riflessivi’. Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các đuôi động từ kể trên đều là dấu hiệu nhận biết động từ phản thân hay không? Ta sẽ đi xem xét điều này trong bài hôm nay.


 

1. Thế nào là động từ phản thân trong tiếng Ý?

Hãy so sánh ba câu sau:

Dạng chủ động: Chủ thể thực hiện hành động
a) Lan lava le mani.

Dạng bị động: Chủ thể chịu sự tác động của một hành động
b) Le mani sono lavate da Lan.

Động từ phản thân: Chủ thể vừa thực hiện vừa chịu sự tác động của chính hành động đó.
c) (1) Lan si lava.
(2) Lan si lava le mani.

Điểm khác biệt ta thấy ngay trong thành phần động từ ở các câu trên là sự xuất hiện của đại từ ‘si’ trong ví dụ c). Đại từ ‘si’ trong câu c (1) cho ta biết Lan lava se stessa. Chủ thể Lan tắm chính mình hay phản chiếu/phóng chiếu hoạt động tắm lên chính mình. Trong câu c (2) Lan lava le mani a se stessa nghĩa là Lan rửa tay cho chính mình. Do đó động từ lavarsi trong câu c được gọi là động từ phản thân. Ta gọi là động từ phản thân khi hành động tác động lên chín người thực hiện hành động.

Tuy nhiên, cùng thể hiện ý nghĩa phản thân, nhưng động từ lavarsi trong câu c(1) và c(2) lại được phân thành hai dạng khác nhau. Động từ phản thân chính thống/trực tiếp  (forma propria/diretta) trong câu c(1) – Lan tắm chính Lan. Động từ phản thân không chính thống/gián tiếp (forma impropria/indiretta) trong câu c(2) – Lan rửa tay CHO chính Lan. Rõ ràng sự phân loại này dựa vào tính chất của đối tượng tiếp nhận hành động: ‘si’ chỉ đối tượng trực tiếp trong c(1) hay chỉ đối tượng gián tiếp trong c(2).

Bây giờ ta sẽ tiếp tục phân biệt các cách sử dụng của các động từ nêu ở đầu bài; ta sẽ thấy không phải tất cả đều được gọi là phản thân.


2. Phân loại các dạng động từ

1. Phản thân chính thống/trực tiếp (Forma riflessiva propria/diretta)

Lan si lava.

2. Phản thân không chính thống hay gián tiếp (Forma riflessiva impropria/indiretta)

Lan si lava le mani.

Ngoài ra ta còn thấy đại từ ‘si’ được dùng với các dạng sau:

3. Đa thể trực tiếp (Forma reciproca diretta)

Lan e Nam si baciano.

4. Đa thể gián tiếp (Forma reciproca indiretta)

Lan e Nam si baciano le mani.

Trong dạng đa thể (Forma reciproca), nhiều chủ thể cùng lúc tham gia vào hoạt động và cùng chịu tác động qua lại của hoạt động đó. Trong câu Lan e Nam si baciano ta phải hiểu là ‘Lan hôn Nam và Nam cũng hôn lại Lan’.

Tương tự như thế, trong câu Lan e Nam si baciano le mani, ta cần lưu ý là ‘Lan và Nam hôn tay lẫn nhau’. Lan bacia le mani di Nam và ngược lại Nam bacia le mani di Lan. Chứ không phải hai người mạnh ai nấy hôn tay mình: ‘Lan si bacia le proprie mani e Nam si bacia le proprie mani’.

5. Nội động từ đại từ hóa (Forma intransitiva pronominale)

Lan si arrabbia.

Ở dạng nội động từ đại từ hóa, đại từ ‘si’ không gán cho chủ thể ý nghĩa tự thân, mà nó được dùng theo quy ước ngữ pháp. Tức nếu thiếu đuôi ‘si’ động từ đó không tồn tại: chỉ tồn tại arrabbiarsi. Trong câu trên, tiểu từ ‘si’ không hề cho câu ý nghĩa ‘Lan tức giận với chính mình’ mà đơn giản là ‘Lan tức giận’. (Xem thêm bên dưới).

6. Vô nhân xưng (Impersonale)

Qui si lavora bene.

‘Si’ ở dạng vô nhân xưng cũng không có ý nghĩa tự thân mà chỉ ra rằng hành động không có chủ thể cụ thể. Động từ với -si ở dạng vô nhân xưng là động từ intransitivo (không đòi hỏi bổ ngữ).

7. Bị động hóa (Passivante)

Qui si riparano macchine.

Tương tự như dạng vô nhân xưng, ‘si’ ở dạng bị động hóa cũng không có nghĩa tự thân mà có nghĩa bị động. Trong câu sau đây ‘si’ ngầm nói rằng ‘những chiếc xe hơi sẽ ĐƯỢC sửa chữa ở đây’ do đó cũng có thể nói ‘Le macchine sono riparate qui’. Cần lưu ý: ở dạng bị động hóa với -si động từ là transitivo, do đó nó đòi hỏi bổ ngữ.

Phân tích ở trên cho thấy không thể gộp các động từ trên vào nhóm động từ phản thân. Nghĩa là ‘si’ không có nghĩa tự thân trong tất cả các câu. Các động từ này được gọi với cái tên rộng hơn đó là nhóm Động từ đại từ hóa (Verbi pronominali).

Bảy trường hợp nêu trên đây là bảy cách dùng cơ bản của động từ đại từ hóa. Điều này được thấy trong nhiều sách ngữ pháp và bài giảng tiếng Ý. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng còn tồn tại một loạt các hình thức khác của động từ đại từ hóa được các nhà ngữ pháp Ý như Seriani xếp vào dạng phái sinh (Usi produttivi) hay tăng cường/biểu cảm (Usi intensivi/espressivi) mà mình sẽ bàn ở bài riêng.


3. Phân biệt Forma riflessiva diretta và Forma intransitiva pronominale

Trước khi kết thúc bài này, tôi xin lưu ý với các bạn một điểm về sự nhập nhằng giữa Forma riflessiva diretta Lan si lavaForma intransitiva pronominale Lan si addormenta. Lý do của sự nhập nhằng này là chúng cùng được cấu tạo từ động từ Transitivo. Chúng ta hãy xem xét các điểm khác biệt sau đây:

Về chủ thể và đối tượng tiếp nhận hành động:

–       Verbo riflessivo có thể được cấu tạo từ verbo transitivo trong đó chủ thể hành động cũng là đối tượng tiếp nhận hành động: lavare (qcn) [tắm cho ai đó] > lavarsi [tự tắm] > Lan si lava [Lan tự tắm Lan].

–       Intransitiva pronominale có thể được cấu tạo từ verbo transitivo nhưng chủ thể hành động không phải đối tượng tiếp nhận hành động: addormentare (qcn) [ru ai ngủ] > addormentarsi [buồn ngủ] > Lan si addormenta [Lan buồn ngủ, không phải Lan tự làm mình buồn ngủ cũng không phải ai làm cho Lan buồn ngủ].

Động từ có sẵn đuôi -si và chỉ tồn tại nếu có đuôi -si:

–       Tuy không mang nghĩa phản thân nhưng một số động từ sinh ra (theo quy ước) đã có sẵn đuôi -si rồi, chúng không thể tồn tại nếu thiếu đuôi này, và người ta xếp chúng vào dạng pronominale (không phải dạng riflessivo, không có dạng transitivo), ví dụ: pentirsi, arrabbiarsi, vergognarsi, accorgersi, ribellarsi. Xem danh sách ở bên dưới.

–       Các động từ phản thân riflessivo không có sẵn đuôi -si, như đã nói ở trên, nó được cấu tạo từ các động từ transitivo bằng cách thêm vào đuôi -si để chỉ nghĩa tự thân.

Dùng động từ Intransitivo hay Transitivo không thay đổi ý nghĩa câu:

–       Có một nhóm động từ khi dùng như Intransitivo pronominale hay Transitivo đều không thay đổi ý nghĩa: approfittare di qualcuno vs approfittarsi di qualcuno; hoặc chỉ thay đổi một chút ý nghĩa: sedere = stare seduto; sedersi = mettersi a sedere.

–       Động từ phản thân riflessivo chắc chắn sẽ có ý nghĩa tự thân (lavarsi) và khác với ý nghĩa dạng transitivo tương ứng (lavare qualcosa/qualcuno).


4. Mẹo phân biệt Forma Riflessiva và Intransitiva pronominale

Nếu hai câu cùng có động từ đuôi -si được cấu tạo từ một động từ transitivo, để biết đó là dạng Riflessiva hay Intransitiva pronominale, trong đa số các trường hợp, ta chỉ cần thêm vào câu một bổ ngữ trực tiếp (complemento oggetto). Nếu thêm được thì đó là động từ dạng Riflessiva, nếu không thêm được thì đó là dạng Intransitiva pronominale.

Ví dụ:

Alzare > alzarsi > Lan si alza > Lan si alza la testa. (Riflessiva)

Addormentare > addormentarsi > Lan si addormenta > Lan si addormenta la testa. (Intransitiva pronominale).


5. Các động từ Intransitivo pronominale thông dụng nhất

accanirsi, accasciarsi, accigliarsi, accoccolarsi, accorgersi, accovacciarsi, accucciarsi, acquattarsi, addentrarsi, adirarsi, aggrapparsi, ammalarsi, ammutinarsi, appisolarsi, appollaiarsi, arrabbattarsi, arrabbiarsi, arrendersi, arrovellarsi, astenersi, avvalersi, avvedersi, barcamenarsi, destreggiarsi, dilungarsi, genuflettersi, imbattersi, immusonirsi, impadronirsi, impelagarsi, impossessarsi, incaponirsi, incapricciarsi, incavolarsi, inerpicarsi, infortunarsi, inginocchiarsi, intestardirsi, invaghirsi, lagnarsi, ostinarsi, pavoneggiarsi, pentirsi, ribellarsi, rifugiarsi, sbellicarsi, sbracciarsi, scapicollarsi, scervellarsi, schermirsi, servirsi, sgolarsi, sperticarsi, spolmonarsi, stravaccarsi, suicidarsi, vergognarsi.


Giải thích thuật ngữ

  1. Transitivo – chỉ dạng động từ chuyển tiếp (ngoại động từ). Một hành động hay tác động nào đó sẽ được dịch chuyển sang đối tượng (oggetto) hay hướng ra bên ngoài chủ thể (đó là lý do vì sao nó cũng được gọi là ngoại động từ). Do đó động từ ở dạng này luôn đòi hỏi một bổ ngữ (complemento oggetto).
  2. Intransitivo – chỉ dạng động từ không chuyển tiếp (nội động từ). Một hành động hay tác động nào đó sẽ chỉ hướng vào bên trong chủ thể hay không dịch chuyển đến một đối tượng bên ngoài nào. Do đó ở dạng này động từ KHÔNG đòi hỏi một bổ ngữ. Có một số động từ vừa có thể dùng ở dạng transitivo như Mangio una pizza, lại vừa có thể dùng ở dạng intransitivo Mangio. Một số động từ khác lại chỉ có thể sử dụng ở dạng intransitivo như Dormo.
  3. Pronominale – chỉ dạng động từ được đại từ hóa bằng sự xuất hiện của đuôi -si và các đuôi đã nêu ở đầu bài.
  4. Riflessivo – chỉ sự phóng chiếu hành động từ chủ thể lên chính bản thân chủ thể đó.
  5. Reciproco – chỉ sự tác động qua lại của một hành động nào đó giữa hai hay nhiều chủ thể và nhiều đối tượng.

COMMENTS

No Comment

Leave a Reply