Dạng vô nhân xưng – Forma impersonale

Ai đã từng học tiếng Ý sẽ có ít nhất một lần phải vò đầu bứt tai vì cái gọi là dạng vô nhân xưng của động từ. Trong bài này mình xin giới thiệu với các bạn một cách rõ ràng và chi tiết các cách cấu tạo động từ dạng vô nhân xưng. Đọc xong bài này thì các bạn sẽ thấy khoan khoái vì từ nay không sợ bị hói đầu do vò đầu bứt tóc nữa rồi.

Dạng vô nhân xưng là dạng gì?

Dạng vô nhân xưng của động từ được nhận biết khi trong câu người ta không thể chỉ ra người thực hiện hành động, hay  không thể gán hành động cho một người cụ thể. Dạng vô nhân xưng thường dùng để khái quát sự vật, sự việc hay để tránh chỉ ra đối tượng của lời phê bình, chỉ trích.

Xem hai câu sau đây:

1. Lan non sa che cosa dire.

(Lan chẳng biết nói gì).

2. Quando uno non sa che cosa dire, è meglio rimanere in silenzio.

(Ai mà không biết phải nói gì thì tốt hơn hết là im lặng).

Trong câu (1) Lan là người thực hiện hành động ‘biết’ ‘sa’ 3a. sing. của ‘sapere’. Trong câu (2) Uno không chỉ một người nào đó duy nhất và cụ thể mà chỉ chung bất cứ người nào ở vào hoàn cảnh đó. Do đó, tuy ‘sa’ là dạng chia ngôi 3a. sing. của ‘sapere’ nhưng nó không chỉ một người nào. Tương tự như thế, động từ ‘è’ 3a. sing. của ‘essere’ trong vế sau của câu (2) ‘è meglio rimanere in silenzio’ không chỉ một người nào cụ thể mà chỉ đánh giá nói chung của người nói. Vế này cũng có thể được xem là dạng vô nhân xưng. Có người cũng cho rằng vế này là dạng nhân xưng vì chủ thể được đánh giá trong vế này là ‘rimanere in silenzio‘, do đó có thể đảo lộn cấu trúc thành ‘rimanere in silenzio è meglio’.

Các cách thể hiện dạng vô nhân xưng của động từ (trình độ B2)

Qua hai câu trên ta thấy trong dạng vô nhân xưng động từ thường được chia ở dạng 3a. sing. Có phải vậy không? Câu trả lời là không. Ta hãy đi xem các dạng vô nhân xưng được liệt kê dưới đây.

1. Dạng chủ thể không xác định UNO + verbo 3a. sing. (thuần để khái quát sự việc, không tính đến người nói và người nghe):

  • Quando uno non sa che cosa dire, è meglio rimanere in silenzio.

(Ai mà không biết phải nói gì thì tốt hơn hết là im lặng).

  • Se uno questa esperienza non l’ha fatta, non può capirla.

(Ai chưa trải qua chuyện này thì không thể hiểu được).

2. Dạng với TU generico + verbo 3a. sing. (thường dùng trong quảng cáo, để nhắc nhở, cho lời khuyên, ecc.):

  • Che bello quello! Te lo sposi subito solo a vederlo.

(Ông đó đẹp thật đấy. Chỉ cần nhìn thôi là mày đã muốn cưới ông ta ngay rồi).

  • Ma pensa tu/te! Ora viaggiare è facile. Prendi il treno e sei lì dopo due ore!

(Nghĩ mà xem! Giờ đi lại dễ lắm. Chỉ cần mày bắt tàu là hai tiếng sau mày đã có mặt ở đó rồi).

3. Dạng với NOI + verbo 1a. pl. (thường dùng khi người nói muốn tham gia vào phát ngôn):

  • Spesso non siamo capaci di affrontare le piccole contrarietà.

(Thường chúng ta không có khả năng đối diện với những bất đồng nhỏ).

  • La maggior parte del tempo della nostra vita la usiamo per pensare o parlare a noi stessi.

(Phần lớn thời gian trong cuộc đời chúng ta dùng để nghĩ cho mình hoặc nói về mình).

4. Dạng với LORO + verbo 3a. pl. (đặc biệt thường dùng với động từ thuộc trường nghĩa ‘nói – dire’):

  • Dicono che gli italiani sono belli e creativi.

(Người ta bảo rằng người Ý đẹp và có óc sáng tạo).

  • Hanno diffuso la notizia che presto ci sarà una crisi politica in Italia.

(Người ta đồn rằng sẽ sớm xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Ý).

5. Dạng với động từ essere 3a. sing. È + tính từ chỉ mức độ như meglio/bene/importante:

  • È meglio che Salvini si chiuda il becco.

(Tốt hơt hết là ông Salvini nên ngậm cái mỏ của ông lại).

  • È importante che gli italiani sappiano a chi votare nella prossima elezione.

(Quan trọng là người Ý biết nên bầu cho ai trong lần bầu cử sau).

6. Ngoài ra ta cũng thấy có dạng vô nhân xưng với BISOGNA, È NECESSARIO ESSERE + aggettivi /sostantivo pl. có đuôi -i như:

  • Bisogna essere coraggiosi nell’investimento.

(Cần phải mạnh dạn trong đầu tư).

  • È necessario essere sinceri nella vita.

(Sống trong cuộc sống cần phải chân thành).

Trên đây là sáu cách cấu tạo động từ vô nhân xưng thường gặp. Tùy vào mục đích giao tiếp cụ thể mà ta sẽ chọn cho mình cách nói nào. Vậy dạng nhân xưng với ‘si’ thì sao? Khi đã nắm kĩ những dạng trên các bạn có thể tiếp tục xem tiếp dưới đây.

 

Dạng vô nhân xưng với đại từ SI (trình độ C1)

Như đã giới thiệu với các bạn ở bài Verbi pronominali, động từ đại từ hóa có đuôi -SI và khi chia ở các ngôi đuôi -SI này cũng biến đổi cho phù hợp. Trong bảy dạng thường gặp của động từ đại từ hóa ta thấy có hai dạng có ý nghĩa khái quát, trong đó si không thể hiện chủ thể thực hiện hành động, do đó nó không chia theo chủ thể nào cả mà chỉ có dạng 3a. sing. và pl. đó là: Si impersonale (Si vô nhân xưng) và Si passivante (Si bị động hóa).

Si impersonale:

Động từ có thể dùng ‘si’ impersonale là động từ intransitivo (nội động từ không đòi hỏi bổ ngữ). Si impersonale có các dạng như sau:

1. SI impersonale + verbo intransitivo 3a. sing.

  • In questo ristorante si mangia bene e si spende poco.

(Ở nhà hàng này ăn vừa ngon mà lại vừa rẻ).

  • In Vietnam si va a letto più presto che in Italia.

(Ở Việt Nam người ta đi ngủ sớm hơn là ở Ý).

2. Si impersonale + Si verbo riflessivo hay pronominale => Si impersonale biến thành Ci vì lý do hài âm (eufonia), do đó ta có Ci si:

  • Durante la festa di indipendenza, ci si ritrova affollamente in piazza.

(Trong dịp lễ Độc lập, người ta đổ ra quảng trường).

  • Durante la lezione ci si stanca un po’.

(Trong giờ học người ta có uể oải chút xíu).

3. Si + Verbo Copulativo (essere, parere, restare, rimanere, v.v.) + part. pass./sostantivo/aggettivo ở dạng số nhiều pl. do đó có đuôi -i:

  • Si è tristi, se si rimane soli nella vita.

(Người ta sẽ buồn nếu phải sống cô đơn)

  • Non si può restare indifferenti di fronte a tanti problemi del paese.

(Người ta không thể hờ hững trước những vấn đề của đất nước).

  • Quando si è medici, si deve sapere sacrificarsi.

(Khi đã là bác sỹ thì cần phải biết hy sinh).

  • Quando si è stati ben accolti in un luogo, vi si ritorna volentieri.

(Khi người ta được chào đón nồng hậu ở một nơi nào đó người ta sẽ sẵn sàng quay trở lại).

  • Non si è rimasti soddisfatti dello spettacolo.

(Người ta không hài lòng về buổi biểu diễn).

4. Si + verbo passato – dạng quá khứ của động từ – luôn dùng trợ động từ tình thái essere:

Nếu động từ nguyên mẫu khi cấu tạo dạng quá khứ đòi hỏi trợ động từ avere thì hậu tố (desinenza) của part. pass. là -o:

  • Si è fatto tardi, è ora di partire. (fare đòi hỏi trợ động từ avere)

(Muộn rồi, đến lúc phải đi thôi).

  • Si è viaggiato a piedi tutta la notte. (viaggiare đòi hỏi trợ động từ avere)

(Người ta đã phải đi bộ cả đêm)

Nếu động từ nguyên mẫu khi cấu tạo dạng quá khứ đòi hỏi trợ động từ essere thì hậu tố (desinenza) của part. pass. là -i:

  • Si è partiti con un’ora di ritardo. (partire đòi hỏi trợ động từ essere)

(Người ta đã khởi hành trễ mất một tiếng).

  • Ci si è pentiti di quel che aveva detto. (pentirsi đòi hỏi trợ động từ essere)

(Người ta thấy tiếc vì điều vừa nói).

  • Non si è potuti arrivare puntuali all’appuntamento. (arrivare đòi hỏi trợ động từ essere)

(Không thể nào mà đến đúng hẹn được)

  • Ci si è dovuti accontentare di quello che c’era. (accontentarsi đòi hỏi trợ động từ essere)

(Người ta cần phải hài lòng về những gì đang có).

Si passivante:

Có thể hiểu ‘si passivante’ như si impersonale của động từ transitivo (nội động từ có bổ ngữ). Tuy nhiên, khi động từ là transitivo thì người ta sẽ gọi là si passivante (si bị động) do nó mang ý nghĩa bị động: đối tượng của động từ chịu sự tác động của hành động thể hiện trong động từ. Si passivante mang lại cho phát ngôn các ý nghĩa như sau:

1. Ý nghĩa bị động và vô nhân xưng – 3a. sing./pl.

  • Si legge il giornale di mattina.
  • Si leggono i giornali di mattina

=> Il giornale/I giornali viene/vengono letto/i di mattina. (Người ta đọc báo vào buổi sáng).

2. Khoanh vùng phạm vi của sự việc – 3a. sing./pl.

  • In Italia si mangiano il pesce freddo e la pasta calda.

(Ở Ý người ta ăn hải sản lạnh, ăn mì nóng).

  • Da noi non si beve il latte.

(Chỗ tôi người ta không uống sữa).

3. Lời nói châm biếm, ám chỉ:

  • Oggi si è fatto poco esercizio, eh!

(Hôm nay ta tập thể dục ít qua nha!)

  • Si fanno troppe chiacchiere in questa classe!

(Trong lớp này người ta nói chuyện nhiều quá đấy nhé!)

4. Ra lệnh hoặc mời chào:

  • Figliuoli, non si lascia la camera sporca! (Dovete pulirla)

(Mấy ông con của mẹ ơi, ai lại để phòng dơ thế bao giờ!) (Các con phải lau dọn đi!)

  • Amici miei, la pizza si mangia calda! (Potete cominciare).

(Mấy ông bạn tôi ơi, pizza người ta ăn nóng ạ). (Mọi người bắt đầu ăn đi thôi).

5. Thời quá khứ + essere khi người thực hiện hành động không được chỉ ra rõ ràng:

    • Madre: Si sono studiati tutti i libri necessari anche durante l’estate.

(Mẹ: Bao nhiêu giáo trình quan trọng người ta phải học hết trong hè này.)

    • Figlio: Ma si erano viste molte belle ragazze in piazza a quest’ora.

(Con trai: Mà người ta thấy bao cô gái đẹp đang ở trên quảng trường).

6. Si + verbo modale (dovere, volere, potere) và verbo percettivo (sapere, sentire) + verbo + sostantivo:

  • Si deve fare il dovere.

(Nhiệm vụ thì cần phải được thực hiện)

  • Si vuole mangiare un gelato.

(Ai đó muốn ăn kem đây này).

  • Si può dire ‘Ti amo’ ogni tanto.

(Thỉnh thoảng người ta có thể nói ‘Anh yêu em’ chứ nhỉ?).

  • Non si sa dove trovare un momento di pace.

(Chả biết tìm đâu ra một giây phút yên bình).

  • Si sente un rumore.

(Người ta nghe thấy có tiếng động).

Trên đây là tổng hợp cách cách dùng của dạng vô nhân xưng. Các bạn đã thấy rõ hơn chưa nào? Quá nhiều phải không? Nhiều thì học từ từ và theo đúng trình độ của mình nhé! Hãy liên lạc với Thảo nếu các bạn thấy vẫn chưa rõ.

COMMENTS

Leave a Reply