Bí kíp du lịch Ý lần đầu
Bạn đang chuẩn bị đi du lịch Ý lần đầu tiên trong đời nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ đâu chứ còn gì nữa. Trong bài dài ngoằng này, không chỉ gợi ý bạn nên đi đâu, Thảo còn liệt kê các thông tin hữu ích khác nữa nhé. Tiêu chí của chia sẻ kinh nghiệm này như sau: giúp bạn lên kế hoạch cho chuyến du lịch Ý tiết kiệm, mà vẫn có thể cá nhân hóa chuyến đi theo đúng sở thích và khả năng của bạn.
Nào, thế trước khi bàn chi tiết, cho mình chào bạn bằng lời ngỏ cái đã nhé!
Lời ngỏ
Trong nhiều năm liền, nhiều người Việt lần đầu đi du lịch châu Âu đều coi Pháp và Đức là hai địa điểm không thể thiếu. Chẳng có gì làm lạ! Hai nước này tuy không phải bà con với Việt Nam, nhưng lại có tí dây dưa lịch sử. Người Việt biết đến văn hóa của họ, muốn tận mục sở thị là điều dễ hiểu. Có vẻ thời gian gần đây còn có xu hướng sau: lên ngắm núi Thụy Sỹ; vòng xuống Nam Âu đi biển Hy Lạp và bay khinh khí cầu Thổ Nhĩ Kì; đoạn lại ngược lên bắc Âu ngắm cực quang.
Nhưng NẾU:
- Bạn không cần check-in nhiều nước để về khoe bạn bè
- Bạn muốn sống chậm và trải nghiệm
- Bạn muốn thưởng thức Địa Trung Hải: đồ ăn ngon, khung cảnh đẹp, thiên đường mua sắm, nghệ thuật phong phú …
… thì Thảo khuyên bạn nên làm một chuyến du lịch Ý trong lần đầu đi châu Âu.
Sao lại đi du lịch Ý mà không phải nước khác?
Vì ngoài những thú vui trần gian vừa liệt kê, Ý còn là nước không mấy khó khăn trong việc cấp visa du lịch. Nếu bạn định đi các nước khác trước, tìm hiểu thấy visa khó đậu, thì nên chuyển hướng đi Ý trước.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Ý dễ dãi như cái chợ. Bạn nên tìm hiểu và đọc những nguồn uy tín về Ý để có được cái nhìn toàn cảnh nhé.
Nhất là những bạn đi du lịch Ý lần đầu lại càng nên dành thời gian tìm hiểu. Việc bạn tìm hiểu kỹ hay sơ sài sẽ quyết định việc bạn sẽ có một chuyến đi thành công hay không. Thành công ở đây bao gồm: trải nghiệm mà bạn sẽ có; số tiền bạn sẽ phải bỏ ra; những may mắn và rủi ro mà bạn sẽ gặp.
Nào! Bây giờ thì Thảo xin được chia sẻ ngay thôi!
1. Có những cách nào để đi du lịch Ý?
Trước hết, bạn nên biết, ngoài cách bỏ tiền túi đi tour hoặc đi tự túc vẫn còn các cách khác để đi du lịch Ý.
Cách 1: Xin học bổng
Lần đầu du lịch Ý mình cũng đi qua con đường này đấy. Cách này đòi hỏi bạn tốn nhiều công sức chuẩn bị. Nếu không muốn (hoặc không thể) tốn tiền, bạn phải tốn thời gian là điều đương nhiên.
- Một trong những học bổng hấp dẫn dành cho [gần như] mọi đối tượng là học bổng ngoại giao (chính phủ) MAECI. Học bổng này thuộc chính sách phổ biến tiếng Ý ra nước ngoài. Vì vậy, họ không yêu cầu cao về trình độ, hay chính xác là chẳng cần trình độ. Cái họ nhắm tới là khả năng sau này bạn có truyền được cảm hứng cho người khác học tiếng Ý hay không. Bạn sẽ có tiền ăn và tiền học, còn phí đi lại sẽ do bạn trang trải.
- Học bổng thứ hai là học bổng của Rotary club, một đoàn thể thanh niên quốc tế vì hòa bình và nhân loại (nghe hoành phết). Hằng năm họ đều cấp học bổng cho những thanh niên cấp tiến thể hiện được bản lĩnh để sang Ý học ngôn ngữ và văn hóa Ý. Được học bổng này bạn sẽ có ít thời gian đi du lịch. Bạn phải tham gia các hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu môi trường thanh niên quốc tế thì bạn nên đăng ký.
- Học bổng khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên tiếng Ý. Nếu đang giảng dạy tiếng Ý (ở trường hoặc trung tâm), bạn có thể thử vận may với học bổng này. Hãy tham gia các khóa bồi dưỡng giảng viên aggiornamento docente, như của trường Perugia chẳng hạn.
Cách 2: Đi du lịch Ý kết hợp công việc: business trip
Nếu bạn có công ty đang kinh doanh hoặc sản xuất các mặt hàng có thể hợp tác với Ý thì nên biết: bạn có thể sang Ý đi hội chợ; mua máy móc thiết bị; gặp gỡ doanh nghiệp và kết hợp đi du lịch. Cách này thường sẽ có mức thành công cao vì bên tổ chức sẽ lo giấy tờ cho bạn. Bạn chỉ cần cung cấp đủ giấy tờ như yêu cầu.
Ở Sài Gòn hay Hà Nội, bạn có thể liên hệ Icham – Hiệp hội doanh nghiệp Ý tại Việt Nam; hoặc ITA trade – Thương vụ Ý. Hằng năm, phía các hội chợ Ý (TuttoFood, Cosmoprof, v.v.) sẽ tìm kiếm buyers (người mua/thăm quan hội chợ) để đưa sang Ý. Nếu bạn có nhu cầu mua/tìm hiểu hàng thì có thể đăng ký. Hiện nay mô hình này đang hẹp dần tuy nhiên không phải là không có.
Bạn sẽ phải tham gia đủ 3-4 ngày hội chợ hay đi thăm doanh nghiệp, sau đó có thể tự do đi thăm thú.
Nếu bạn không thuộc một trong những diện trên mà tài chính lại eo hẹp thì đành theo du lịch tự túc tiết kiệm.
Cách 3: Du lịch Ý tự túc
Có lẽ đây là cách nhiều bạn quan tâm và có nhiều câu hỏi nhất. Vì không phải ai cũng xin được học bổng hay có doanh nghiệp để tham gia hội chợ. Dưới đây Thảo sẽ hướng dẫn bạn bằng việc trả lời từng câu hỏi nhé!
2. Cần bao nhiêu cho chuyến du lịch Ý tự túc 7 ngày?
Thông thường, chi phí cơ bản cho một chuyến du lịch Ý tự túc từ 7-10 ngày cần khoảng 50* triệu. Chi tiết các khoản như sau:
- Vé máy bay: ±15 – ±21 triệu (tùy thời điểm), ở đây mình lấy khoảng giữa là 17 triệu
- Khách sạn: 35€ x 10 ngày x 27.000 VND ~ 9.5 triệu
- Ăn uống: 35€ x 10 ngày x 27.000 VND ~ 9.5 triệu
- Vé tham quan và đi lại (khoảng 3 – 4 thành phố): 200€ x 27 ~ 5.5 triệu
- Phí visa và bảo hiểm: gồm phí visa, bảo hiểm và dịch và công chứng giấy tờ ~ 5 triệu
- Phần còn lại dùng để phòng trừ rủi ro.
*Lúc mình viết bài này tỉ giá là 27.000 vnd/1 euro. Giờ đây euro đã giảm nên chắc chắn bạn sẽ rủng rỉnh hơn.
Ngoài ra, bạn còn cần tầm 13 triệu có sẵn trong tài khoản, như định mức tài chính tối thiểu. Định mức này không gộp vào tiền vé máy bay và khách sạn. Nó cũng không đảm bảo việc bạn đậu visa, mà chỉ là yêu cầu tối thiểu của cơ quan lãnh sự Ý. Xem chi tiết tại đây.
Con số trên chỉ là con số tối thiểu bạn cần có nhé. Còn chần chừ gì nữa, hãy tiết kiệm ngay từ bây giờ!
3. Lần đầu du lịch Ý: nên đi vào thời điểm nào?
Đi vào thời điểm nào phụ thuộc vào thời gian và mục đích của bạn.
- Nếu bạn thích những chuyến đi nhẹ nhàng: Mùa xuân (giữa tháng 5 đến cuối tháng 6); hoặc mùa thu (giữa tháng 9 đến cuối tháng 10).
- Nếu muốn chơi thể thao mạo hiểm hay leo núi và trượt tuyết: Mùa hè (tháng 7) hay mùa đông (tháng 12, tháng 2, tháng 3).
- Nếu bạn thuộc top dễ tính: không sợ lạnh, không sợ nóng, ngắm cái gì cũng được, ăn cái gì cũng xong thì đi … mùa nào cũng được. Mà mùa xuân và mùa hè vẫn là đẹp nhất ở Ý đấy.
Để biết chi tiết, đón đọc Du lịch Ý bốn mùa.
4. Nên đi mấy người?
Mình thường thích đi du lịch một mình, vì sẽ tự chủ được điểm đến cũng như thời gian đi hay lưu lại. Nếu bạn đi du lịch Ý lần đầu thì nên dè dặt hơn, nên đi hai người, vì nhiều lẽ:
- Có bạn để chia sẻ, nói chuyện, tư vấn;
- Chi phí sẽ giảm đáng kể (tiền khách sạn, tiền ăn);
- Ăn cùng ăn, chơi cùng chơi và nhất là có người chụp ảnh check-in cùng.
- Nếu đi một mình thì nên có bạn là người bản địa hoặc sinh viên đang sinh sống ở Ý.
5. Đi đâu?
Đi đâu là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất. Mình thường khuyên bạn không nên QUÁ phụ thuộc vào việc:
- Bạn bè của bạn đã check-in ở đâu
- Các trang tin du lịch khuyên PHẢI đi đâu …
… mà hãy quan tâm đến sở thích, khả năng và mục đích chuyến đi của bạn. Vì sao? Vì chỉ có phù hợp với mình thì mình mới thích. Tỉ dụ, bạn của bạn leo núi và check-in rất đẹp, còn bạn thì không thích leo núi, nhưng vẫn cố leo. Đảm bảo leo đến nơi sẽ chỉ thấy nhọc, không hưởng thụ được đâu. Leo lên đã nhọc, leo xuống còn bực dọc hơn vì bị chùng gối và cắm mũi giày. Nếu có cáp treo thì hẵng cố.
Đừng lo không còn chỗ nào mà đi nếu không check-in chỗ bạn bè đã check-in, không đến nơi các trang khuyên PHẢI đến. Ý là thiên đường du lịch ở Địa Trung Hải, nơi có thể thỏa mãn bất kì sở thích nào của bạn. Vì thế hãy tự tin chọn các điểm đến theo sở thích của bạn với những gợi ý sau đây nào!
Du lịch check-in
Mình đã có bài miêu tả sơ lược về 10 thành phố Ý bạn không nên bỏ qua. Nói cho chính xác, đây là 10 thành phố hay được nhắc đến khi nói về Ý thôi. Thực tình, viết bài đấy chỉ vì chiều lòng độc giả. Chứ ở Ý ấy mà, hầu như không có chỗ gọi là đáng đi hay không đáng đi cả. Không tin mình á?
Ý là nước có diện tích trung bình (xấp xỉ Việt Nam), nhưng lại có nhiều di sản được Unesco ghi nhận nhất trên thế giới. Nước thứ hai là người anh em, và bạn biết rồi đấy, người anh em của chúng ta có diện tích gấp suýt soát 30 lần nước Ý. Điều này cho thấy mật độ những nơi bạn có thể check-in trong lãnh thổ Ý rất dày đặc.
Muốn check-in chỗ nào thì lướt thêm ba bài sau quẹo lựa nhé!
Du lịch thư giãn bên hồ, leo núi, tắm biển
Nước Ý có địa hình rất đa dạng với hình dáng một chiếc ủng thò ra giữa biển. Nghĩa là Ý có ba phía giáp biển với các bờ biển đẹp rụng tim khách du lịch. Lỗ chỗ trong đảo là những hồ nước xanh mướt, xanh biếc biềng biệc.
Nếu bạn ưa hiking và trekking thì Ý cũng vẫn là lựa chọn tuyệt vời. Hàng loạt các dãy núi hùng vĩ trải dọc biên giới phía Bắc và men dài theo đất liền miền Trung. Ngoài núi và biển tách biệt còn có địa hình núi bên biển rất thơ mộng và quyến rũ ở miền Nam. Núi nào cũng được tổ chức tốt, đường mòn đẹp đẽ, tha hồ trải nghiệm.
Đây, bạn vào đây mà lựa:
Du lịch khám (đừng) phá nghệ thuật Ý
Không ngoa khi nói rằng Ý là cái nôi của nghệ thuật phục hưng – nghệ thuật phát triển bậc nhất, thứ đã đặt nền móng cho nghệ thuật thế giới. Không chỉ tài năng về thực hành, người Ý còn khám phá và phát triển ra rất nhiều kỹ thuật cao sử dụng trong hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc. Những kỹ thuật này đã có ảnh hưởng rất lớn lên sự hình thành và phát triển văn hóa Tây phương.
Nếu bạn yêu nghệ thuật thì đi Ý là cá về với nước đấy. Ngoài nghệ thuật đến từ đường phố, con người, ngôn ngữ, ẩm thực, hãy ghé xem bảo tàng nhé.
Đón đọc 10 bảo tàng Ý bạn nên đến thăm.
Du lịch ẩm thực
Ăn gì còn tùy khẩu vị, nhưng mình có cần phải nói thêm với bạn về sự tinh tế trong ẩm thực Ý nữa hay không? Kem và pizza là hai thứ bạn RẤT nên thử.
Nếu bạn vẫn muốn đọc thêm thì mời bạn ghé góc Người Ý ăn uống hoặc thử Kết bạn với người Ý qua … dạ dày nhé.
Du lịch tôn giáo
Trung tâm của Ki-tô giáo với rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ. Ước tính có khoảng 40.000 nhà thờ trên toàn nước Ý. Hằng năm, Ý đón hàng triệu người hành hương.
Theo dõi để cùng Thảo ngắm Top 10 nhà thờ đẹp nhất đất nước hình chiếc ủng nhé!
Để có thể hình dung trước điểm đến bạn có thể dùng google maps với chế độ xem ảnh chụp. Ngoài ra, bạn có thể tải các ứng dụng hướng dẫn du lịch (guide app) cho mỗi vùng bạn sẽ tới.
6. Làm gì?
Làm gì còn phụ thuộc vào việc bạn đi đâu và đi vào mùa nào. Theo thông tin từ một số hướng dẫn viên tại Ý, đa số người Việt đi Ý chỉ làm những việc sau: Ăn, chụp ảnh, mua sắm. Ít ai quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật cũng như lịch sử. Thời gian gần đây phong trào hiking và trekking lên cao ở Việt Nam, thấy có một bộ phận giới trẻ quan tâm đến du lịch núi.
Ngoài những việc như ăn, chụp ảnh và mua sắm, Thảo gợi ý bạn thử ghé thăm 01 bảo tàng và tìm hiểu nghệ thuật; thăm 01 nhà thờ để lắng mình trong không khí trang nghiêm và chiêm ngưỡng kiến trúc; chơi (hoặc xem) một môn thể thao hay tham gia một lễ hội truyền thống. Những điều này sẽ làm bạn nhớ cái hồn nước Ý chứ không chỉ là những bức ảnh trước những tòa nhà hay một món ăn và một món đồ firmato khi trở về.
*Firmato trong tiếng Ý nghĩa là hàng hiệu, hàng thiết kế riêng.
7. Ở đâu?
Chỗ ở cũng khiến nhiều bạn quan tâm khi đi du lịch nói chung và đi du lịch Ý lần đầu nói riêng. Không giống như 5 năm về trước, khi khách sạn chiếm vị trí độc tôn, hiện nay có nhiều lựa chọn phải chăng hơn.
- Coupon giảm giá ở khách sạn nhiều sao. Bạn có thể canh coupon này trên những trang như booking.com, airbnb.com. Thường vào những ngày thấp điểm các khách sạn sẽ cho 01-02 coupon phòng giá rẻ chất lượng cao.
- Homestay/Ostello: có thể xem trên booking.com, airbnb luôn. Có nhiều dạng, nhìn chung theo phương châm tiền nào của nấy.
- Host của sinh viên đang du học tại Ý: vào hội sinh viên VN tại Ý ASVI. Giá rẻ bất ngờ và dịch vụ cũng bất ngờ luôn.
- Nhà bạn của bạn của bạn: nếu bạn có bạn người Ý thì hãy tận dụng nhờ vả lúc này.
- Couchsurfing: Lướt qua màn đêm bằng sofa. Hình thức ở nhờ hoàn toàn miễn phí. Thứ bạn phải “trả” là trao đổi, nói chuyện và tôn trọng người cho ở nhờ. Ý tưởng này ra đời rất trong sáng và hữu ích. Tuy nhiên, giống như nhiều ý tưởng thiên thần khác, sẽ luôn bị vấy bẩn bởi các con giời gian manh. Lời khuyên cho bạn là nên đọc kỹ hồ sơ của người cho ở nhờ.
- Nhà ga hay sân bay: đây là phương án không khuyến khích. Trừ khi bạn có việc đi vào ban đêm nên không muốn thuê phòng.
- Ngủ lều: Đi núi ngủ lều là tuyệt cú mèo. Tuy nhiên cần đề phòng một số điểm mà Thảo có dịp chia sẻ khá dài trong Cắm trại ở Ý cần lưu ý 5 điều.
Sơ sơ ba cái giá phòng:
Trung bình ở một thành phố Ý hạng vừa thì 35 euro cho một phòng riêng vào mùa thấp điểm là có thể ở được. Nếu bạn dễ tính và không khó ngủ thì có thể ở ostello/dom – nhà nghỉ dạng giường tầng chung với 4 – 10 người khác. Chi phí cho loại phòng này vào tầm 15-30 euro tùy thành phố và tùy tiện nghi.
Bạn cũng cần lưu ý thêm:
Dịch vụ khách sạn hạng vừa ở Ý hay ở châu Âu khá đắt nhưng chỉ xách dép cho dịch vụ hotel ở châu Á. Vì sao phải xách dép cho Châu Á? Vì Chỉ ở châu Á mới có dép. Ở Ý và châu Âu, khách sạn không có dép đi trong phòng. Với lại, dịch vụ hotel thì tệ hơn ở châu Á nhiều. Do đó, bạn đừng trông đợi quá nhiều.
Ngoài không có dép, còn không có kem đánh răng và bàn chải nữa. Ở ostello người ta còn tính thêm tiền chăn drap gối nệm nữa đấy. Ở đâu thì cũng phải trả “thuế lưu trú” (tầm 2-5 euro/ngày). Nói trước để bạn sẵn sàng cho việc này.
8. Ăn gì?
Ăn gì cũng phụ thuộc gu và khẩu vị, do đó bạn cứ thử những gì thấy vừa mắt. Như đã nói, Pizza và kem là hai thứ RẤT nên thử. Dưới đây là một số loại hình hàng quán ở Ý cho bạn lựa chọn:
- Mensa: căng tin tự phục vụ dành cho sinh viên hoặc người lao động. Bạn là khách du lịch thì sẽ phải trả một khoản kha khá (tầm 10 euro/bữa).
- Bancarella: Quầy ngoài đường thường gần chợ hoặc trong hội chợ. Đồ ăn ngon bổ rẻ và phong phú.
- Mercato/Supermercato/Centro commerciale: Chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại.
- Osteria: Quán ăn nhỏ nấu các món dân dã chuẩn truyền thống địa phương, không câu nệ.
- Trattoria: Quán ăn nhỏ ven đường.
- Ristorante: Nhà hàng với phong cách ẩm thực cao cấp.
- Pub: Uống rượu bia.
- Bar: Uống cà phê và rượu khai vị (aperitivo), thường có cả đồ ăn nhẹ.
- Caffetteria: Quán cà phê.
- Gelateria: Ăn kem và sữa chua.
- Pizzeria: Hàng pizza cả cái (intera) hoặc cắt miếng (al taglio).
- Pasticceria: Hàng bánh ngọt đặc sản.
- Panetteria/Panificio: Hàng bánh mì (pane) và bánh mì kẹp (panino).
Nếu bạn ăn ở Osteria, Trattoria hay Ristorante bạn sẽ phải trả thêm một khoản gọi là “coperto” “trang trải” (từ 1.5 – 3 euro). Khoản này là phí không thể không trả khi đi ăn ở nhà hàng Ý. Thường sẽ được giải thích là để “trang trải” cho bánh mì, dầu, giấm, khăn trải bàn, khăn ăn, dao dĩa mà bạn dùng.
9. Có những phương tiện đi lại nào?
Hệ thống phương tiện giao thông công cộng ở Ý, nhất là tàu hỏa, không phát triển như ở Đức hay Thụy Sĩ. Tuy thế, các phương tiện vẫn bao sân được hết các nhu cầu đi lại của người dân.
- Bus/Flixbus: Xe buýt thì bạn biết rồi, còn Flixbus là loại xe buýt liên tỉnh và liên quốc gia với giá rẻ và tiện nghi (có wifi và ổ cắm bên trong xe). Bạn có thể đặt qua app flixbus cũng như xin/mua mã giảm giá tại các diễn đàn, trong đó có Hội sinh viên VN tại Italia ASVI.
- Pullman: Xe buýt liên tỉnh.
- Tram: Xe buýt điện chạy trên đường ray, tuyến nội đô.
- Metro: Không phải ở thành phố nào cũng có tàu điện ngầm mà chỉ ở thành phố lớn nhất Ý như Milano, Napoli và Roma (ngoài ra còn có minimetro ở Perugia hay Brescia).
- Máy bay: Ryanair hay các hãng hàng không giá rẻ khác là một trong những lựa chọn yêu thích của người đi du lịch ở châu Âu và Ý.
Phương tiện mà mình thích nhất là tàu hỏa (treno). Chả là mình bị say xe nên rất hạn chế đi ô tô hay bus. Mình đã từng làm một chuyến tham quan châu Âu chỉ bằng tàu hỏa. Tàu hỏa có thể đưa bạn từ thành phố xuống biển rồi lên rừng, đi đến cả những ngóc ngách nhỏ bé.
Người Ý đi tàu thường xuyên như ta đi xe máy vậy. Bạn có thể tra giờ tàu ở Trenitalia.it hoặc Italotreno.it. Bạn cũng có thể tải app để cập nhật tất tần tật về việc đi tàu ở Ý từ bến đỗ, hành trình, báo trễ hủy chuyến, trình trạng tàu, giá tàu, mua và trình vé, tích điểm.
Các phương tiện sharing – chia sẻ:
- Xe hơi Blablacar: Giống như grab và go-viet vậy, có điều mô hình Blablacar là đi nhờ và share tiền xe chứ không phải là xe ôm công nghệ như ở ta. Bạn có thể tải app và đăng ký tại đây sau đó đặt xe với tài xế.
- Xe đạp: Có thể đăng ký và thuê xe đạp của phường để đi lại trong thành phố. Nếu bạn ở ngắn ngày và thường xuyên di chuyển giữa các thành phố thì không tiện lắm.
- Xe ôm vespa ở Roma: Hoặc có thể đi thử tour bằng xe vespa ở Roma.
Đón đọc 5 cung đường tàu đẹp nhất nước Ý.
10. Thẻ City card là gì?
Như đã nói ở trên, các điểm tham quan ở Ý rất đa dạng và phong phú. Do đó, để đi được nhiều mà vẫn tiết kiệm bạn nên cân nhắc mua thẻ City Card. Thông thường thẻ này gồm vé xe (buýt, metro), lượt vào bảo tàng hay một số show diễn hoặc triển lãm.
Mỗi thành phố sẽ có loại thẻ riêng, tùy thành phố bạn muốn đi mà mua thẻ tương ứng. Bạn có thể tham khảo tại đây để đặt mua trước. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến mua trực tiếp ở các quầy thông tin du lịch Informazioni Turistiche tại mỗi thành phố. Thường quầy này sẽ được đặt ở quanh khu nhà ga, sân bay và trung tâm thành phố với biểu tượng chữ “i”.
Nếu bạn không hứng thú với việc tham quan bảo tàng mà chỉ muốn đến check-in ở bên ngoài tòa nhà thì không cần phải mua city card.
Ngoài ra, các bảo tàng quốc gia ở Ý (và một số nước châu Âu) miễn phí vé cho sinh viên và khách du lịch vào mỗi chủ nhật đầu tiên của tháng. Nếu bạn dưới 27 tuổi thì còn được tham quan miễn phí.
11. Hồ sơ xin visa cho du lịch Ý lần đầu
Hồ sơ visa cho người đi du lịch Ý lần đầu có thể tải ở ĐÂY.
Ở link trên bạn có thể tìm được tất tần tật các thông tin về hồ sơ visa du lịch Ý. Nếu bạn đi dạng đi học thì có thể tìm hiểu thêm hồ sơ ở bài Hồ sơ visa Ý và học bổng vùng.
Địa điểm nộp hồ sơ:
Ở Hà Nội:
Đi du lịch hay công tác dưới 03 tháng sẽ nộp hồ sơ ở văn phòng VFS. Địa chỉ: Tòa nhà Ocean Park, phòng 1109, tầng 11 số 1 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ tại trang web Vfs. Vào đó tạo tài khoản và để lại email, số điện thoại.
Nếu đi dài hơn bạn sẽ nộp hồ sơ trực tiếp tại Đại sứ quán Ý số 9 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. Đặt lịch hẹn theo số điện thoại: 02438256256 – ext. 121. Trang web Đại sứ quán Ý.
Ở Sài Gòn:
Tất cả các hồ sơ xin đi Ý (kể cả đi học) từ 03 tháng trở xuống đều nộp tại VFS: cơ quan được Lãnh sự Ý ủy quyền thu nhận hồ sơ. Địa chỉ: tòa nhà Resco, Lầu 3, Số 94-96 Phố Nguyễn Du, Phường Bến Nghé Quận 1. Số điện thoại hỗ trợ: +84 28 35212002. Trang web VFS.
Hồ sơ xin đi từ 3 tháng trở lên sẽ phải nộp tại Lãnh sự quán, cần đặt lịch hẹn trước. Địa chỉ: President Place, 10th Floor 93 Nguyen Du Str., Dist.1 Điện thoại: 028-38275445.
Ở Đà Nẵng:
Tất cả các hồ sơ xin visa đi Ý cần đặt lịch hẹn với Vfs tại Tòa nhà ACB, Lầu 05, 218 Bạch Đằng, Phường Phước Ninh, Quận Hải Châu. Số điện thoại hỗ trợ: +84 28 35212002. Trang web VFS.
Bạn cũng cần lưu ý về phân vùng chức năng & nhiệm vụ của Lãnh Sự quán hay Đại Sứ quán để biết cần nộp hồ sơ ở đâu. Các tỉnh/thành phố nêu trên dựa trên nơi bạn đang sinh sống và làm việc.
Ví dụ mình vào Sài Gòn sinh sống và làm việc nên khi làm visa mình sẽ làm ở đây chứ không ra Đà Nẵng hay Hà Nội.
Họ hoàn toàn có thể kiểm tra việc này dựa trên hợp đồng làm việc hay các thông tin khác bạn cung cấp để chứng minh tài chính. Do đó cần lưu ý để tránh có những hiểu lầm đáng tiếc.
12. Đóng gói hành lý
Có bạn hỏi mình nên mang gì đi du lịch Ý? Có được mang chà bông (ruốc) không? Có được mang bột sắn dây không? Có được mang a, b, c, x, y, z không? Câu trả lời là mang cả Việt Nam qua còn được. Tuy nhiên, không được mang gì còn tùy quy định của hãng hàng không nữa. Chi tiết bạn có thể tham khảo thêm trong bài Chuẩn bị hành lý du học Ý nhé.
Lần đầu đi du lịch Ý mình cũng mang lỉnh kỉnh lắm cơ. Giờ chừa rồi.
Khi đi du lịch các bạn nên mang gọn nhẹ nhất có thể. Về quần áo, mình không biết phải khuyên các bạn mang bao nhiêu quần áo và dày dép thì vừa. Như mình thấy trên các diễn đàn và group du lịch, nhiều bạn mang đủ các loại phụ kiện để check-in.
Nếu đi du lịch là chính, xúng xính là phụ thì quần áo gọn nhẹ: một giày đế bệt, một khăn, một mũ, một áo khoác tùy mùa, thêm tiền và thuốc là đủ. Vali trống còn để lúc sau mua đồ mang về hoặc xách đồ tính phí gỡ gạc tí ti.
Nếu định chụp ảnh để viết blog thì hẵng mang máy ảnh lỉnh kỉnh. Ở Ý, nếu không đi vào đầu mùa đông, trời sẽ sáng vàng và trong, cây cối nhà cửa đẹp đẽ, chỉ cần giơ điện thoại lên là có ảnh đẹp để ngắm.
Nên mang theo thuốc vì lúc ốm đau hay nhỡ nhàng không phải dễ gì mà bạn vào ngay được bệnh viện.
Nên sắp sẵn giấy tờ vào một túi nhỏ và đeo bên mình.
13. Chọn vé máy bay và các lưu ý khi khởi hành
Hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Ý. Một chuyến thường mất 13-14 giờ bay, cộng quá cảnh (trung bình từ 3-10 tiếng, có chuyến nhiều hơn). Có rất nhiều hãng hàng không 5 sao giá rẻ cho các bạn lựa chọn như: Emirates, Qatars, Etihad, Thai, v.v. Bay hãng nước nào thì sẽ quá cảnh ở nước đó. Các bạn đừng lo quá cảnh ở các nước hồi giáo. Họ rất văn minh và lịch sự.
Giá vé của các hãng hàng không Ả rập ngang nhau, dịch vụ cũng ngang nhau. Tuy nhiên mình thích Emirates hơn vì các lẽ sau:
- Chăm sóc khách hàng on và offboard cực kỳ tốt: tiếp viên vô cùng duyên dáng
- Đồ ăn ngon và phục vụ ăn mệt nghỉ
- Máy bay êm, rộng rãi và sạch sẽ
- Thiết bị giải trí phong phú và hiện đại
- Đa số các chuyến có thời gian chờ quá cảnh ngắn
- Sân bay Dubai tổ chức tốt, đẹp đẽ và sạch sẽ: có wifi free và chỗ nghỉ có thể duỗi chân, nhân viên cũng thân thiện
- Điểm trừ là không có bộ kit bịt mặt và tất đi trên máy bay như Qatar. Nhưng có lẽ lại là điểm cộng vì đỡ phung phí tài nguyên. Nhân viên mặt đất của Emirates Việt Nam (Sài Gòn) có nhiều người rất bất lịch sự và hùng hổ. Lưu ý nè, chớ mang dư cân hành lý xách tay kẻo bị chửi cho như vặt thịt.
- Hãng Qatar có sân bay Doha quá tải, đồ ăn thì vừa đắt vừa không bắt mắt, thời gian quá cảnh thường dài. Ngoài ra các dịch vụ khác tốt không kém Emirates hay Etihad.
Lúc nào thì nên mua vé?
Thời điểm mua vé phụ thuộc rất nhiều thứ, không phải cứ mua sớm là có giá tốt nhất. Do đó, cách duy nhất là canh vé. Bạn cũng nên nhớ xóa cookie sau mỗi lần tìm vé. Hệ thống máy tính sẽ lưu lại xu hướng tìm kiếm của bạn và sẽ cho ra giá cao hay thấp tùy vào mức độ bạn quan tâm đến dịch vụ đó thế nào.
Tránh Jetlag (fusorario) hiệu ứng lệch múi giờ
Không cứ lần đầu đi du lịch Ý mới bị Jetlag. Hầu như ai cũng bị. Lên máy bay bạn nên sinh hoạt theo giờ của điểm đến ngay lập tức. Nhớ chỉnh đồng hồ theo giờ Ý: mùa hè Việt Nam nhanh hơn 5 tiếng; mùa đông thì 6 tiếng. Thường các chuyến bay từ Việt Nam sang Ý là ban đêm và ở Ý là buổi chiều. Lên máy bay các bạn không nên ngủ luôn mà chờ đến rạng sáng hẵng đi ngủ. Làm thế bạn sẽ giảm jetlag do đó sang đến nơi sẽ khỏe và đi chơi thoải mái và đầu óc minh mẫn.
14. An ninh ở Ý
Các anh cảnh sát ở Ý nom có vẻ không nghiêm túc và cứ … nhơn nhơn nhưng thực ra họ làm việc rất hiệu quả. Trong những năm gần đây thế giới hoang mang vì tin khủng bố nhưng có lẽ Ý là nước duy nhất đến giờ này chưa phải hứng chịu trận khủng bố nào. Trộm vía!
Bạn nên cẩn thận ví ở những nơi đông người như nhà ga, bến xe, sân bay, bến tàu điện ngầm. Ga Roma Termini và Metro ở đây là một trong những địa bàn bọn móc túi hoành hành. Những người móc túi ở đây đa phần là dân nhập cư. Nói thì vậy nhưng ở Ý còn an toàn gấp nhiều lần ở Việt Nam. Bạn có thể đeo túi thản nhiên ra ngoài đường mà không sợ bị giật hay chặt tay rút nhẫn. Nhà của mình để cửa hiên mở những 4 năm trời mà chưa bao giờ mất trộm một thứ gì.
Rồi! Thôi, mình gãy cả bút rồi. Hy vọng những thông tin trên sẽ tạo động lực cho bạn lên kế hoạch chuyến du lịch Ý lần đầu thành công. Nếu còn cần thêm thông tin hãy để lại comment bên dưới nhé.
COMMENTS