55 di sản Unesco ở Ý có gì hot? #1

Trong bài 12 chặng leo núi ở Ý mình có viết rằng nước Ý có 35% diện tích là núi và nếu đã đọc hẳn bạn đã biết núi ở Ý đẹp đến dường nào. Còn 40% diện tích đồi có gì hot? 40% diện tích ấy là nhà của 3/4 những di sản Unesco ở Ý. Liệu như thế đã đủ để bạn tới thăm Ý dù chỉ một lần chưa? Chưa ư? Thì đây!

Ý được ví như chiếc ủng thò ra biển do ba phía Đông, Tây, Nam lần lượt giáp biển Địa Trung Hải, Tyrrhenia và Ionia. Trong đó, biển Địa Trung Hải là một trong 34 điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới.

Vị trí địa lý ấy đã góp phần khiến Ý là một trong những đất nước có sự đa dạng văn hóa nhất châu Âu. Các nhà nhân chủng học đã cho rằng, xét về mặt di truyền học và chủng người, Italia có sự đa dạng sinh học về dòng tộc nhất châu Âu với 57 tộc người.

Theo ISTAT[1], ngoài tiếng Ý còn có hơn 32 ngôn ngữ[2] (tiếng địa phương) và hàng trăm phương ngữ của những ngôn ngữ này đang hoạt động trên khắp lãnh thổ Italia. Ngoài ra còn có rất nhiều phong tục và truyền thống khác nhau được hòa trộn trong một đất nước nhỏ bé chỉ xấp xỉ diện tích của Việt Nam, tức 302.073 km2.

Nếu coi nước Ý như chiếc Ủng thực sự thì nó sẽ có size M. Thế nhưng chiếc ủng size M này lại đứng đầu thế giới với 55 di sản[3] được Unesco công nhận. Nước đứng thứ 02 có diện tích gấp 30 lần nước Ý.

Nào, giờ bạn đã hiểu mật độ dày đặc của các di sản Unesco ở Ý chưa?

Mình thì hiểu, thế nên ngay ngày đầu tiên xỏ chân vào Ủng, mình đã đặt ra mục tiêu: Đi hết c 50! (con số năm 2014). Thời điểm hiện tại mình mới đạt được hơn nửa mục tiêu, tức 33/55 di sản Unesco ở Ý.

Bây giờ mình sẽ điểm qua những nơi hay ho nhất trong số 55 di sản Unesco ở Ý được ghi nhận từ năm 1979-2019.

Bài #1 sẽ bắt đầu với serie các di sản từ năm 1979 – 1999.


#1 Nghệ thuật chạm khắc đá vùng Valle Camonica (1979)
Valle Camonica (gần hồ Iseo, Brescia) sở hữu một trong những bộ sưu tập chạm khắc đá lớn nhất thế giới (>70 km). Vào năm 1979, lần đầu tiên người dân chứng kiến đây là di sản Unesco ở Ý.

Hơn 140.000 biểu tượng và hình vẽ được khắc trên đá, trong khoảng 8000 năm, mô tả các chủ đề liên quan đến nông nghiệp, giao thông đường thủy, chiến tranh, săn bắn, ma thuật và các hình ảnh tượng trưng.

Nghệ thuật chạm khắc bị cạn kiệt bằng sự khuất phục Đế chế La Mã. Sau đó nó có hồi sinh, nhưng rất ngắn ngủi vào thời Trung cổ.

Để đến thăm tiên cảnh này bạn có thể đi tàu TreNord từ Milan hoặc Brescia đến Edolo; đến đây bắt Pullman đi tiếp đến địa điểm. Hoặc vào đây để xem chi tiết các phương tiện giao thông và điểm xuất phát.

Valle Camonica - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Valle Camonica – Photo Guide Turistiche il Mosaico
Valle Camonica - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Valle Camonica – Photo Guide Turistiche il Mosaico

#2 Phố cổ Roma và Vaticano (1980 & 1990)
Roma, Caput Mundi (Capo Mondo – trung tâm thế giới), là thành phố được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Đây là một ví dụ độc đáo về sự kế thừa nền văn minh phương Tây ở các thời đại khác nhau. Roma cũng là trung tâm của một trong những đế chế vĩ đại nhất thời cổ đại và là trái tim của tâm linh Kitô giáo.

Roma được thành lập, theo truyền thuyết, vào năm 753 trước CN do cặp song sinh Romulo và Remo trên 7 ngọn đồi, bên bờ sông Tevere.

Ở Roma có một loạt các kiến trúc có giá trị nghệ thuật vô song, được xây dựng qua gần ba thiên niên kỷ: Colosseum, Pantheon, Fori Imperiali, v.v. Trong nhiều thế kỷ, nghệ thuật La Mã đã ảnh hưởng đến kiến ​​trúc, hội họa và điêu khắc ở tất cả các vùng lãnh thổ được biết đến của thế giới cổ đại.

Cá nhân mình phải đi đến lần thứ 3 mới yêu được Roma. Và từ đây cứ yêu mãi yêu hoài. Lần nào đến đây cũng phải lượn qua đài phun nước Trevi để ném xu và mong trở lại.

Roma Rome - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Roma và hàng cây đặc trưng bên Colosseo

#3 Nhà thờ và tu viện Domenicano di Santa Maria delle Grazie với bức ‘Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci (1980)
Tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milano nổi tiếng vì bức “Bữa tối cuối cùng” (1495-1497) của Leonardo da Vinci.

Kiệt tác này đánh dấu một bước ngoặt trong nghệ thuật hội họa. Tính độc đáo của nó nằm trong việc mô tả phản ứng mà mỗi sứ đồ thể hiện trước lời của Chúa Giêsu; ở việc sử dụng ánh sáng và phối cảnh phi thường.

Tác phẩm được thực hiện bằng một kỹ thuật vẽ khác với bích họa truyền thống. Theo truyền thống phải vẽ màu xong trước khi thạch cao khô để đảm bảo độ bền của bức tranh. Thay vào đó, trong bức “Bữa tối cuối cùng”, Leonardo đã dùng tempera trộn với dầu.

Làm vậy ông có thể điều chỉnh độ sáng tối tinh tế hơn và có thể chỉnh sửa tùy ý; tuy nhiên, cũng chính vì lý do này mà bức bích họa dễ bị tổn thương hơn. Do đó, ngày nay việc di dời bức tranh khỏi vị trí ban đầu mà không làm hỏng vĩnh viễn vẫn là đề tài còn dang dở.

Di sản Unesco hot nhất ở Ý này rất được săn đón mà lại chỉ mở cửa hạn chế, do đó bạn CẦN đặt vé trước. Mình đã ở Milan 06 tháng nhưng để đi xem được bức này thì đến là vất vả. Không hiểu do xui hay do bất cẩn nữa. Để suôn sẻ bạn nên đặt vé trước. Đây là một số gợi Ý cho bạn đây.

Cenacolo Ultima Cena The Last supper- 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Bức bữa tối cuối cùng của thiên tài Leonardo

#4 Phố cổ Firenze (1982)
Đi Firenze quả mình không muốn về nữa. Thực sự ấy. Firenze được bao quanh bởi những ngọn đồi Tuscany và bắc qua sông Arno. Thành phố vẫn không thay đổi gì qua nhiều thế kỷ. Firenze ra đời từ khu chiếm đóng của người Etruscan, sau trở thành thuộc địa của La Mã với tên Florentia.

Trong thời trung cổ và thời kỳ đầu hiện đại, với quyền lực của gia đình Medici, Firenze là một trong những trung tâm quan trọng nhất của châu Âu. Từ thế kỷ XV, Firenze trở thành “cái nôi của Phục hưng Ý”. Có thể kể đến các kiệt xuất như Brunelleschi, Donatello, Masaccio, Michelangelo và Leonardo da Vinci.

Các tòa nhà và tác phẩm nghệ thuật có giá trị vô cùng lớn ở Firenze đã ảnh hưởng đến sự phát triển kiến ​​trúc và mỹ thuật cả ở Ý lẫn Châu Âu.

Firenze Florence - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Firenze nhìn từ sông Arno

#5 Venezia và các đầm phá Laguna (1987)
Venezia hình con cá, nằm trong đầm phá có diện tích hơn 50.000 km². Thành phố có cội rễ sâu xa từ thế kỷ thứ 5, khi dân cư địa phương tìm nơi ẩn náu trên các đảo cát Torcello, Jesolo và Malamocco để thoát khỏi các cuộc xâm lăng của bọn man rợ. Những khu định cư tạm thời này dần trở thành vĩnh viễn. Từ đây, Venezia ra đời với sự kết hợp của 118 hòn đảo nhỏ kết nối bởi các kênh đào. Hầu như mỗi hòn đảo nhỏ đều có một thị trấn, làng chài và trung tâm sản xuất thủ công.

Venezia trở thành một cường quốc hàng hải quan trọng và là một trong những thủ đô chính của thế giới thời trung cổ vào thế kỷ thứ 10. Khi mất quyền lực trên biển, Venezia đã thực hiện ảnh hưởng của mình nhờ vào các họa sĩ. Bellini và Giorgione, sau này là Tiziano, Tintoretto, Veronese và Tiepolo, đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về không gian, ánh sáng và màu sắc; các ông để lại dấu ấn rõ ràng về sự phát triển nghệ thuật hội họa trên khắp châu Âu.

Nếu bạn yêu hội họa và yêu Venezia hãy xem thêm các tác phẩm của Canaletto – họa sĩ chuyên miêu tả Venezia qua những bức tranh khung cảnh kênh rạch nơi đây. Hay làm một tour du thuyền ngắm hoàng hôn và thưởng thức rượu khai vị Spritz.

Venezia - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Venezia nhìn từ trên cao

#6 Piazza del Duomo a Pisa (1987)
Pisa là một cảng biển quan trọng đã có từ thời La Mã cổ đại; một trong những Cộng hòa Hàng hải Ý rực rỡ vào giữa thế kỷ 11 và 13. Thành phố nhìn ra một khúc quanh rộng của Arno. Ngày nay không còn gần biển nhưng nó vẫn giữ được cấu trúc đô thị với các nhà thờ, cung điện và nhà ở thời trung cổ.

Quảng trường Piazza del Duomo, còn gọi là Campo dei Miracoli, là nơi lưu giữ bốn kiệt tác của kiến ​​trúc trung cổ:

  1. Nhà thờ – một mô hình nhà thờ mới với kiến ​​trúc đa sắc và sử dụng loggia; Baptistery có kiến trúc của một môi trường âm học đặc biệt khiến nó như một ‘nhạc cụ’ thực sự;
  2. Tháp Chuông gồm bảy quả chuông khổng lồ, ngày nay biết đến như Tháp nghiêng;
  3. Nghĩa trang il Campo Santo là tòa nhà cuối cùng được xây dựng trên quảng trường. Công trình kiến ​​trúc thời trung cổ lâu đời nhất này dành để thờ người đã khuất.
Pisa - 54 di sản Unesco ở Ý Favellatrice
Quảng trường nhà thờ Pisa

#7 Centro Storico di San Gimignano (1990)
San Gimignano nằm cách Firenze 56 km về phía Nam. Nó là một bằng chứng hùng hồn của nền văn minh trung cổ với sự đồng nhất về kiến ​​trúc và bố cục đô thị nguyên sơ. Chỉ một trong khoảnh đất nhỏ, nó chứa tất cả các cấu trúc tiêu biểu của đời sống đô thị Ý như quảng trường và đường phố, nhà và công trình, giếng và suối.

San Gimignano - Favellatrice
Quang cảnh thành phố San Gimignano

#8 I Sassi e il Parco delle Chiese Rupestri di Matera (1993)
Matera nằm ở Basilicata, miền nam nước Ý. Di sản này là một quần thể nhà ở, nhà thờ, tu viện và ẩn tu được xây dựng trong các hang động tự nhiên của vùng Murgia, một cao nguyên đá vôi, khe núi và đá.

Ở vùng này từ lâu người dân sống trong hang động. Qua hàng thiên niên kỷ, vùng này đã chuyển sang dạng nhà ở. Ngôi nhà điển hình ở đây được bố trí theo ba cấp độ: chuồng, hầm và bể chứa nước. Tuy nhiện, thông thường các không gian được dùng lẫn lộn. Ví dụ như phòng ngủ chứa cả người và động vật.

Trước năm 1952, I Sassi di Matera đã bị bỏ hoang. Đến đây khách nào không bị sợ không gian hẹp thì nên trải nghiệm không khí cuộc sống hang động. Còn không thì đứng ngoài check-in trước quang cảnh hùng vĩ ngộp thở này vậy.

Năm 1993 quần thể hang đá này, tiếp nối 7 điểm nóng khác, đã trở thành di sản Unesco ở Ý được săn đón. Năm 2019, Matera còn trở thành thành thủ đô văn hóa châu Âu.

Sassi di Matera Favellatrice
Sasso di Matera nhìn từ quảng trường

#9 Vicenza và các biệt phủ Ville del Palladio (1994)
Okay. Đến đây Thảo phải dừng lại lâu hơn một chút. Tra google thì các bạn cũng biết Vicenza là một đô thị nhỏ xíu rất gần với Venezia. Thành phố nhỏ bé này lại là một trung tâm quan trọng hàng đầu khi Venezia còn là một quốc gia độc lập.

Thời kỳ hoàng kim của Vicenza là khi tầng lớp quý tộc Venice tái tổ chức thành phố và vùng nông thôn. Kiến trúc sư vĩ đại Andrea di Pietro della Gondola, tức Palladio, được giao nhiệm vụ thiết kế.

Bằng bàn tay phù thủy của mình, Palladio đã làm cách mạng cho bố cục đô thị. Điều này còn ảnh hưởng sâu sắc đến quy hoạch đô thị và cảnh quan của các nước châu Âu (Anh và Tây Âu) cũng như toàn thế giới (trong đó có Mỹ).

Villa Palladio Favellatrice
Villa Palladio – Photo Gira Vigenza

Jefferson – Tổng thống Mỹ đã cho rằng 4 cuốn sách của Palladio là “Kinh thánh” của kiến ​​trúc hiện đại. Bản thân ông này cũng thực hiện hai công trình theo phong cách Palladio. Cả hai đều đã trở thành di sản Unesco của Mỹ (nhà của ông và đại học Virginia).

Sau này quốc hội Mỹ còn công nhận Andrea Palladio là cha đẻ của kiến trúc Mỹ. Các tòa nhà tiêu biểu bao gồm Tòa nhà Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng và Đài tưởng niệm Jefferson. Ai mà lại ngờ được điều đó chứ nhỉ!

Các công trình của Palladio ở Ý được công nhận di sản Unesco gồm 23 tòa nhà ở Vicenza và 24 biệt thự khác. Các tòa nhà, kết hợp phong cách gothic của Venezia với cảm hứng từ kiến ​​trúc La Mã cổ điển, được chèn vào kết cấu đô thị thời trung cổ đã tạo ra một quần thể thanh lịch và đẹp như tranh vẽ.


#10 Centro storico di Siena (1995)

Siena! Siena! Siena! Thảo chưa đi Siena nhưng đã nghe, đã đọc và đã học rất nhiều về Siena. Tại sao đã từng học ở Perugia mà chưa đi Siena? Tại tớ cố tình để dành Siena cho … tuần trăng mật. Nếu đi hết mai mốt lỡ có trăng mật biết đi đâu bây giờ?

Nghe bảo: Siena là một thành phố trung cổ đặc biệt. Các tòa nhà đều được thiết kế để thích ứng với cảnh quan xung quanh. Nhờ đó, Siena ảnh hưởng đáng kể đến nghệ thuật, kiến ​​trúc và quy hoạch đô thị trong thời trung cổ, ở Ý lẫn ở châu Âu.

Phố cổ được xây dựng (Tk 14-16) theo đường viền của ba ngọn đồi, kết nối với ba con đường lớn giao nhau tại một thung lũng, bây giờ là Piazza del Campo. Bên trong tường thành dài bảy km, kiến trúc ban đầu vẫn nguyên vẹn.

Siena duy trì được nét cổ kính cũng là do không bị công nghiệp hóa. Lượng dân tương đối thấp, gần như y nguyên từ thời kỳ trung cổ.

Siena 10 thành phố Ý
Siena – Piazza del Campo

#11 Napoli (1995)

“Napule è mille culure” – Napoli muôn sắc màu.

Naples được thành lập bởi người Hy Lạp vào năm 470 B.C. Nơi đây luôn là một trong những thành phố cảng quan trọng nhất ở Địa Trung Hải. Nó cũng đóng vai trò cơ bản trong việc truyền tải văn hóa Hy Lạp cho xã hội La Mã.

Thành phố cảng to béo nên ngứa miệng mèo. Từ đế quốc Byzantine cho đến đế chế Angioina đều dòm ngó Napoli. Tuy nhiên, mấy người này không làm được gì mấy cho Napoli. Khi người Tây Ban Nha (dưới thời Aragon) nhảy vào thì Napoli có thêm 4 cái lâu đài to cực đại.

Sau này mấy cụ Bourbon nhảy vào, Napoli trở thành thủ đô của một vương quốc độc lập. Napoli thời đó sánh ngang với các thủ đô châu Âu khác đấy chứ ạ. Thêm nữa, nó còn có ảnh hưởng về văn hóa, nghệ thuật và công nghệ tới các thủ đô này.

Ngày nay đi Napoli bạn không được quên Pizza, hải sản và street food Napoli Style đâu đấy. Để khi nào có hứng mình sẽ vận công biên bài chi tiết về Napoli nhé.

Favellatrice Napoli Naples
Quang cảnh thành phố Napoli / Naples

#12 Crespi d’Adda (1995)


#13 Ferrara, città del Rinascimento, e il Delta del Po (1995)

Ferrara là thành phố Phục hưng đầu tiên được phát triển theo một kế hoạch đô thị phức hợp. Kế hoạch này ưu tiên sự sắp xếp hài hòa phối cảnh đô thị hơn là vẻ đẹp của các tòa nhà riêng lẻ. Đỉnh cao của kiến ​​trúc Ferrara là lúc gia đình Este lên cầm quyền.

Vào những năm 90, nếu xem phim các bạn hẳn biết Este là ai rồi. Một cô nàng nổi tiếng đanh đá và oái ăm đúng không? Sau này người ta còn nói “cái con este” để chỉ người khó chịu đanh đá.

Este của Ferrara là người khác, là lãnh chúa và địa chủ (có lẽ cũng ghê gớm). Bạn cứ thử hình dung câu chuyện vào thế kỷ 14-16 mà xem. Nhà bạn đang ở, ruộng bạn đang cày, tự dưng bị bà Este thu hồi trên diện rộng. Để làm gì? Để xây lại cho đẹp. Mà xây xong có cho ở không? Cái này thì mời bạn đọc thêm bài ở dưới. Tuy nhiên, nhờ gia đình này mà nước Ý có một Ferrara thuần nhất về đô thị như bây giờ.

Chi tiết hơn mời bạn vào đây đọc bài về Ferrara nha.

Ferrara Favellatrice
Quang cảnh quảng trường ở Ferrara

Càng về sau càng nhiểu điểm hot hơn, bạn tiếp tục theo dõi phần #2 nha.


ĐỌC TIẾP #2

Chú giải

[1] ISTAT: Istituto Nazionale di Statistica – Viện thống kê quốc gia Italia.
[2] Cần phải hiểu “tiếng địa phương” dialetto trong tiếng Ý nghĩa là một ngôn ngữ độc lập; chứ không phải biến thể (phát âm, từ vựng, v.v.) của ngôn ngữ toàn dân. Ở đây mình dùng “tiếng địa phương” để chỉ ngôn ngữ độc lập; “phương ngữ” để chỉ biến thể của ngôn ngữ toàn dân. Xem bản đồ phân bổ tiếng địa phương theo Istat (2006).
[3] https://whc.unesco.org/en/list/stat.

COMMENTS

No Comment

Leave a Reply