Tôi du học Ý #5 – Đăng ký trước & Kiểm tra đầu vào
Trong bài #4 Thảo đã hướng dẫn các bạn xem học phí du học Ý và thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học Ý và Việt Nam. Tiếp tục series này, Thảo sẽ giải thích về Đăng ký trước (Pre-enrollment) và thủ tục thi đầu vào đại học ở Ý nhé.
Mình sẽ bàn:
- Đăng ký trước – Pre-entrollment là gì?
- Ngành thi đầu vào (numero chiuso/programmato) và ngành học đại trà (libero accesso).
- Hình thức thi tuyển.
1. Đăng ký trước – Pre-Enrollment là gì?
Các trường đại học ở Ý thường dành chỗ cho SV quốc tế, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm, dựa trên số SV gửi về từ các cơ quan lãnh sự Ý ở nước ngoài, các trường sẽ dự trù những suất này. Ngoài ra, đăng ký trước còn giúp cơ quan thẩm quyền tại Ý nắm được xu hướng đăng ký trường và chọn ngành. Điều này vô cùng hữu ích cho việc thống kê mà ở Ý họ rất quan tâm.
Do đó, đăng ký trước không có nghĩa là bạn đã được nhận vào học. Nó giống như giữ cho bạn một chỗ để bạn được đến thi/xét tuyển vậy. Nếu so sánh với việc mua vé máy bay thì đăng ký trước là đặt chỗ (reservation); thi đầu vào/xét tuyển như mua vé (booking); đậu như đã thanh toán và nhận vé (payment/ticket).
Dưới đây là những quy định cho việc đăng ký trước:
- SV quốc tế CẦN làm đăng ký trước với Cơ quan Lãnh Sự. Thường rơi vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7, thay đổi theo năm.
- SV chỉ được ĐĂNG KÝ MỘT TRƯỜNG DUY NHẤT tại thời điểm đăng ký trước; và chỉ được tham gia kỳ thi tuyển sinh vào một trường duy nhất cho mỗi năm. Ví dụ năm nay 2019, bạn đăng ký 01 trường. Sang 2020 bạn có thể đăng ký trường khác nếu không đậu trường năm 2019.
- Không cần chứng chỉ tiếng Anh/Ý để đăng ký trước, nhưng các trường đại học Ý thường yêu cầu chứng chỉ này trong kỳ thi tuyển sinh (B1-B2-C1)
Chấp nhận chứng chỉ của Siena, Perugia hay chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài có giá trị tương đương. Ví dụ: Bằng đại học ngành tiếng Ý, từng học tại Ý, bằng của TT ngoại ngữ Dante Alighieri.
Về thủ tục các bạn CẦN theo dõi các trang web của cơ quan ngoại giao Ý tại Việt Nam:
1. Đại sứ quán Ý tại Hà Nội xem tại ĐÂY.
2. Tổng lãnh sự quán Ý tại TP HCM xem tại ĐÂY.
3. Trung tâm Hợp tác giáo dục Uni-Italia xem tại ĐÂY.
2. Kiểm tra đầu vào
Đăng ký trước chỉ để được nhận thông báo về kì thi tuyển đầu vào. Nếu ngành học chỉ có chỉ tiêu giới hạn, tiếng Ý là numero chiuso/programmato, các bạn cần phải sang Ý thi tuyển. Trước đây cơ quan lãnh sự Ý chỉ cấp Visa du lịch cho SV cần đi thi. Thi xong phải về nước NGAY và chờ kết quả. Nếu đậu mới xin visa mới để đi học.
CẬP NHẬT: Từ năm học 2019-2020, SV cần sang thi sẽ được CẤP LUÔN Visa quốc gia loại D (1 năm – Visa Italia), với mục đích đi học. Có nghĩa là sau khi thi xong bạn có thể ở lại chờ kết quả. Trong lúc đó có thể đi du lịch tẹt ga … trong phạm vi nước Ý.
Nếu ngành đăng ký không đòi hỏi thi đầu vào (libero accesso), SV vẫn cần phỏng vấn (từ xa). Theo quy định từ năm 2016, mục đích của phỏng vấn (colloquio) không phải kiểm tra chuyên môn, mà để:
- Kiểm tra TRÌNH ĐỘ NGÔN NGỮ;
- Xem số TÍN CHỈ (credits) mà SV tích lũy ở khóa trước có đủ để theo khóa đang xét không. (Thường áp dụng xét Master trở lên).
Nếu không đủ tín chỉ, SV vẫn có thể nhập học, nhưng phải tích lũy bù trong quá trình học.
Ngoài ra, có thể sẽ phải phỏng vấn trực tuyến tiếng Anh tổng quát nếu học bằng tiếng Anh. Ví dụ Đại học Bocconi, trường kinh tế tư uy tín hàng đầu của Ý, có quy trình tuyển sinh giống như trường kinh tế của Mỹ. Cụ thể, họ yêu cầu CV, thư xin nhập học, GMAT hoặc GRE, Điểm TOEFL. Nếu học bằng tiếng Ý thì họ yêu cầu thêm chứng chỉ tiếng Ý.
3. Hình thức thi tuyển
Có hai kiểu thi tuyển: viết và nói. Bài thi viết nhìn chung sẽ khó hơn.
Đại học Bologna thường tổ chức thi tuyển dưới dạng phỏng vấn, trong khi hầu hết các bài kiểm tra của ĐH UNIMORE đều là thi viết. Viết, nói hay vẽ, v.v. còn tùy vào đặc thù từng ngành.
Một số trường chuẩn bị cho thí sinh rất chu đáo. Họ cung cấp trước cho thí sinh các câu hỏi thi, tên các đầu sách cần đọc để ôn tập, một số thì không. Thảo khuyên bạn nên theo dõi trang web chính thức của trường để cập nhật.
Trên đây là các thông tin cơ bản về đăng ký trước và Thi đầu vào. Nếu các bạn có thắc mắc cho từng trường hợp cụ thể hoặc muốn biết thêm thông tin hãy để lại comment ở bài này nhé.
ĐỌC THÊM BÀI #6 HỒ SƠ HỌC BỔNG VÙNG VÀ VISA
Chị ơi, thời điểm pre-enrolment là vào khoảng sau tháng 6, mà học bổng Unibo Action của đại học Unibo lại có deadline vào đầu tháng 4, nên em không rõ mình có phải cần pre-enroltrước khi đăng ký học bổng này không ạ?
Em xin cám ơn chị ạ.