Tôi du học Ý #1 – Tổng quan hệ thống giáo dục Ý
Nhu cầu du học Ý tăng mạnh trong những năm gần đây, nhờ vào: quảng bá mạnh, chi phí du học thấp, yêu cầu đầu vào mềm mỏng, cơ hội học bổng cao, điểm đến hấp dẫn. Kéo theo đó là ra đời nhiều trung tâm tư vấn du học Ý. Họ làm dịch vụ thì họ phải thu phí. Điều này không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, không phải trung tâm nào cũng có dịch vụ tư vấn tỉ mỉ, cặn kẽ.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì … không biết lấy gì nói? Vì sao lại không biết? Vì họ không có đủ trải nghiệm, hồ sơ giấy tờ thông báo thường bằng tiếng Ý, rất dài và rất phức tạp, mà người biết tiếng Ý hiện tại chưa nhiều.
Nói như thế không có nghĩa là Thảo biết tuốt, biết tất. Mà nói như thế là để đề cao trải nghiệm và tầm quan trọng của việc biết tiếng Ý trong tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm du học Ý.
Từ những kinh nghiệm bản thân và những trao đổi, tìm hiểu qua bạn bè, Thảo biên series 6 bài để giúp các bạn:
- Nắm thông tin chính xác và đầy đủ về du học Ý. Không nhằm quảng bá cho bất kì trường, tổ chức, trung tâm tư vấn du học nào. Nếu sau này Thảo chơi lớn mở trung tâm thì sẽ báo cho bạn :P.
- Đối tượng của series 6 bài này là những sinh viên THỰC SỰ muốn đi du học Ý, muốn TỰ tìm hiểu, muốn TỰ làm hồ sơ, NHƯNG KHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU.
Thì đây, quy trình cơ bản. Bạn nên nắm rõ và thực hiện để khỏi lỡ làng. Nhưng trước hết, hãy thử xem nội dung của serie 6 bài này là gì nhé.
1. Du học Ý: Cần làm gì khi ở Việt Nam?
Trong series 6 bài này, mình sẽ chia sẻ với bạn các mục cần tìm hiểu, chia làm 02 tiểu mục sau:
1.1. Nghiên cứu lý thuyết: Tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch
- Lý do và mục đích đi du học
- Các website hữu ích
- Hệ thống giáo dục bậc cao Ý
- Chọn thành phố, chọn ngành, chọn trường
- Thuật ngữ ‘Offerta formativa’ và ‘bando’ là gì?
1.2. Áp dụng thực tiễn: Chuẩn bị hồ sơ và Đăng ký
- Pre-enrollment – Đăng ký trước
- Ngành thi đầu vào (numero chiuso/programmato) và ngành học đại trà (libero accesso)
- Hồ sơ đi học, visa, học bổng vùng gồm những gì?
- Yêu cầu về ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Ý)
Bây giờ sau khi đã biết những mục cần tìm hiểu, mời bạn xem quy trình:
2. Thời gian và các bước chuẩn bị hồ sơ du học Ý
- Tháng 1 – tháng 2: Tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch
- Tháng 3 – tháng 4: Chọn trường, chọn ngành
- Tháng 5 – tháng 7: Đăng ký trước (Pre-enrollment)
- Tháng 6 – tháng 8: Chuẩn bị hồ sơ và xin visa
- Tháng 8 – tháng 9: Sang Ý để thi đầu vào (nếu cần thiết)
- Tháng 9 – thang 10: [CẬP NHẬT 2019] Sau khi thi đầu vào sinh viên có thể ở lại Ý. Nếu đậu học luôn, nếu rớt thì hồi hương năm sau thi tiếp.
Bây giờ bạn đã sẵn sàng chưa? Nếu rồi thì, nào, hãy bắt đầu với:
3. Lý do và mục đích đi du học Ý
Có rất nhiều lý do, nhưng những lý do sau đây phổ biến nhất:
- Tìm cơ hội (định cư, làm việc, tìm người yêu/kết hôn)
- Du lịch/ đổi gió
- Thấy bạn bè, người quen đi được mình cũng phải đi cho bằng với người ta
- Không mục đích (Gia đình bảo/bắt đi)
- Đi học
Bạn đừng cười khi lý do đi học lại xếp thứ 5! Nhưng nếu lý do đi học của bạn là lý do này thì bạn sẽ tìm được đầy đủ thông tin hữu ích tại blog của Thảo.
Để chứng minh, Thảo sẽ tặng nhẹ bạn một list các website mà bạn có thể tìm được các thông tin từ chân tơ kẽ tóc các khóa học, trường học, học bổng ở Ý.
4. Các website hữu ích cho việc tìm hiểu du học Ý
Ngoài chiếc blog xinh xắn của Thảo www.favellatrice.com mà bạn đang đọc đây thì còn có những cổng thông tin sau:
- Học tập tại Ý mời vào ĐÂY
- Tìm khóa học mời vào ĐÂY, ĐÂY, ĐÂY và ĐÂY NỮA
- Sự phân bố của sinh viên tại Ý (vùng, trường, tuổi, quốc tịch, giới tính, điểm tốt nghiệp) mời vào ĐÂY
- Thỏa thuận giữa các trường đại học Ý và các trường đại học Việt Nam mời vào ĐÂY.
Nếu đọc các trang trên vẫn chưa đủ tự tin thì mời bạn lại quay lại với chiếc blog xinh xắn www.favellatrice.com của Thảo nhé. Thảo sẽ giải đáp cho bạn tất tần tật, tuốt tuồn tuột những gì Thảo biết.
Còn bây giờ, đê chuẩn bị cho việc chọn trường, chọn ngành, chọn bậc học, mời bạn nghía sơ qua hệ thống giáo dục bậc cao Ý nha. Nghĩa là hệ thống giáo dục sau phổ thông Ý có gì hot ấy mà.
5. Hệ thống giáo dục bậc cao Ý
Nghe tên tiêu mục thì hoành tráng thế đấy. Thực tế trong bài này Thảo chỉ điểm sơ vài con số về đại học Ý cho bạn hình dung thôi. Không hề kỹ thuật, thật đấy. Nếu muốn thông tin kỹ thuật và hàn lâm hầm lan hơn, mời bạn đọc bài NÀY. Bạn cũng có thể download pdf bài hàn lâm đó về để nghiên cứu dần đấy.
Hệ thống giáo dục bậc cao Ý chia làm hai khối:
- Khối đại học
- Khối chuyên nghiệp
5.1. Khối đại học
Theo MIUR (Bộ giáo dục và đại học Ý), đến năm 2018, toàn Ý có:
- 116 trường đào tạo hệ đại học
- 67 đại học công lập (Università statali): trong đó có 03 đại học Bách khoa (Politecnici); 2 trường đại học cho người nước ngoài (Università per Stranieri).
- 29 đại học dân lập đã được luật pháp công nhận (Università non Statali legalmente riconosciute)
- 09 Cao đẳng/Đại học chuyên ngành (Scuole Superiori)
- 11 Trường đào tạo online (Università telematiche
Danh sách các trường ĐH Ý có thể xem tại ĐÂY.
5.2. Khối giáo dục chuyên nghiệp
Các trường thuộc khối giáo dục chuyên nghiệp là các trường sau:
- Viện đào tạo nghệ thuật thuộc hệ thống Afam (Alta Formazione Artistica, Musicale e coreutica)
- Qũy TT thực nghiệm điện ảnh (Fondazione Centro Sperimentale di Cinematografia)
- Trường đào tạo Biên/Phiên dịch (Scuole Superiori per Mediatori Linguistici)
- Viện đào tạo Tâm lý học trị liệu (Istituti autorizzati ad attivare corsi di formazione specialistica in Psicoterapia)
- Trường đào tạo Lưu trữ học, Lịch sử chữ viết cổ và Ngoại giao (Scuole di Archivistica, Paleografia e Diplomatica)
- Viện hàn lâm quân sự và Viện đào tạo cảnh sát (Accademie Militari e Istituti di Polizia)
- Viện đào tạo Phục chế và các trường đào tạo về bảo tồn di sản văn hóa (Istituti/Scuole di Restauro e Conservazione dei beni culturali)
- Trường/ Viện giáo dục bổ túc trung học chuyên đào tạo kĩ thuật (Scuole/Istituti di Formazione Integrata Superiore (FIS) (corsi IFTS)
- Trung tâm/ trường/ Viện của các vùng chuyên về đào tạo nghề (Centri/ Scuole/ Istituti di Formazione Professionale Regionale).
Cần lưu ý: các trường thuộc khối chuyên nghiệp, tức nghề, không trùng với khái niệm trường nghề ở Việt Nam. Các trường chuyên nghiệp ở Ý tương đương với khối đại học ở cấp độ, khác là họ đào tạo theo định hướng thực tế nghề nghiệp hơn là nghiên cứu.
Sau khi xem các khối đào tạo, bạn cũng cần biết quy trình đào tạo bậc cao Italia để xem sau này bằng của bạn tương đương với chứng chỉ quốc tế nào nhé!
5.3. Quy trình đào tạo các cấp đại học Ý
Các bạn hãy xem các bậc đào tạo cấp đại học trở lên trong bảng (1) hoặc bảng (2) dưới đây. Các bậc học chia thành các giai đoạn.
1 ciclo = giai đoạn 1: thường là bậc đại học.
2 ciclo = giai đoạn 2: thường là bậc thạc sỹ, chuyên tu bậc 1, master chuyên sâu bậc 1, hệ liên tiếp 5 năm.
3 ciclo = giai đoạn 3: thường là bậc tiến sỹ, chuyên tu bậc 2, master chuyên sâu bậc 2. Lưu ý: tuy cùng ở giai đoạn 3 nhưng chuyên tu bậc 2 và master chuyên sâu bậc 2 không cùng giá trị với tiến sỹ.
Còn dưới đây là một số lĩnh vực đào tạo chính ở Ý cho bạn tham khảo.
5.4. Các lĩnh vực đào tạo
- Area Sanitaria – Y tế
- Area Umanistica – Nhân văn
- Area Scientifica e Tecnologia – Khoa học và Kỹ thuật
- Area Sociale – Xã hội.
Dưới đây Thảo liệt kê các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn và Xã hội, bậc thạc sỹ. Những ngành được tô màu xanh là ngành sinh viên Việt hay chọn. LM là Laurea Magistrale (thạc sỹ). Các con số đi sau chỉ mã ngành. Mã ngành này thống nhất giữa các trường trong toàn nước Ý.
Các ngành Nhân Văn – Area Umanistica
- LM-1 – Nhân học văn hóa và Dân tộc học
- LM-2 – Khảo cổ học
- LM-5 – Lưu trữ và thư viện thông tin
- LM-10 – Bảo tồn di sản kiến trúc và môi trường
- LM-11 – Bảo tồn và phục chế tài sản văn hóa
- LM-14 – Ngữ văn hiện đại
- LM-15 – Ngữ văn, văn học và lịch sử cổ đại
- LM-19 – Thông tin và hệ thống xuất bản
- LM-36 – Ngôn ngữ và văn học châu Phi, châu Á
- LM-37 – Ngôn ngữ và văn học Châu Âu, châu Mỹ hiện đại
- LM-38 – Ngôn ngữ hiện đại truyền thông và hợp tác quốc tế
- LM-39 – Ngôn ngữ học
- LM-45 – Âm nhạc và tài sản văn hóa
- LM-55 – Khoa học tri nhận
- LM-64 – Khoa học tôn giáo
- LM-78 – Khoa học triết học
- LM-80 – Khoa học địa lý
- LM-84 – Khoa học lịch sử
- LM-89 – Lịch sử nghệ thuật
- LM-93 – Lý thuyết và phương pháp trong e-learning và giáo dục đa phương tiện
- LM-94 – Dịch và biên dịch
Các ngành Xã hội – Area Sociale
- LMG/01 – Thạc sỹ luật
- LM-16 – Tài chính
- LM-49 – Lên kế hoạch và điều hành hệ thống du lịch
- LM-50 – Phát triển và quản lý các dịch vụ giáo dục
- LM-51 – Tâm lý học
- LM-52 – Quan hệ quốc tế
- LM-56 – Khoa học kinh tế
- LM-57 – Khoa học giáo dục người lớn và giáo dục thường xuyên
- LM-59 – Khoa học truyền thông công chúng, doanh nghiệp và quảng cáo
- LM-62 – Khoa học chính trị
- LM-63 – Khoa học hành chính công
- LM-65 – Khoa học kịch nghệ và sản xuất đa phương tiện
- LM-76 – Khoa học kinh tế môi trường và văn hóa
- LM-77 – Khoa học kinh tế doanh nghiệp
- LM-81 – Khoa học hợp tác và phát triển
- LM-82 – Khoa học thống kê
- LM-83 – Khoa học thống kê tài chính
- LM-85 – Khoa học sư phạm
- LM-87 – Dịch vụ xã hội và chính sách xã hội
- LM-88 – Xã hội học và nghiên cứu xã hội
- LM-90 – Nghiên cứu châu Âu
- LM-91 – Kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu xã hội thông tin
- LM-92 – Lý thuyết truyền thông
- LM/SC – Xã hội học tội phạm ứng dụng trong điều tra và trong an ninh
- LM/DS – Khoa học quốc phòng và an ninh.
Nếu các bạn có thắc mắc cho từng trường hợp cụ thể hoặc muốn biết thêm thông tin, hãy để lại comment cho Thảo ở bài này nhé.
ĐỌC TIẾP #2: CHỌN TRƯỜNG VÀ CHỌN NGÀNH
Cảm ơn chị Thảo nhiều ạ! Em cũng đang tìm hiểu về du học và học bổng Ý, em rấtttttt là mê Ýyyy ❤️
Cảm ơn em. Hy vọng sẽ có nhiều bài giúp ích cho em.
Wow thật sự trong một tháng bơi giữa thông tin thì blog của cô là cứu cánh thực sự của em! Em cảm ơn cô ạ!
Rất mừng vì các thông tin hữu ích cho em. Chúc năm mới vui vẻ và thành công nhé!
Cô ơi cho em hỏi có những ngành đào tạo cô highlight màu xanh dương có nghĩa là gì vậy ạ?
Những ngành nổi em ạ.
em chào cô , cảm ơn cô rất nhiều vì những kinh nghiệm cô chia sẻ đây em tìm được trang vlog này thật sự đúng là sự may mắn của em.
ở mục 4 phần website có một số đường link bị lỗi mong cô cập nhật lại ạ.
ở mục 5.4 em ko thấy mã ngành đào tạo kiến trúc bậc cử nhân.
Mong cô hồi đáp sẽ giúp ích cho em rất nhiều.
Chào em, cảm ơn em đã để tâm đến nhé, hiện các link đã được sửa rồi đấy. Mục 5.4 như có nói, chỉ lấy ví dụ một số mã ngành bậc THẠC SĨ, còn bậc cử nhân em có thể tự tra trong các link như hướng dẫn nhé.