Kết bạn với người Ý qua … dạ dày

Kết bạn với người Ý, nhất là người Ý trẻ, quả thực rất khó. Nếu bạn là sinh viên sang Ý học thì việc này càng khó hơn. Độ khó sẽ tăng theo cấp số nhân nếu bạn không biết tiếng Ý. Vậy phải làm thế nào để có thể giao du và kết bạn với người Ý đây?

Nếu bạn coi trọng việc kết thân với người Ý và tìm hiểu văn hóa của họ, nếu bạn không cho rằng “chơi với sinh viên quốc tế vui hơn, tụi Ý chảnh mà lại nhạt” thì bài này sẽ mách nước cho bạn. Dưới đây, mình sẽ chia sẻ các khía cạnh của việc kết bạn với người Ý qua dạ dày – một trong những cách hiệu quả nhất mà mình đã vài lần trải nghiệm.

Kết bạn với người Ý

Hãy rộng rãi, rộng rãi và rộng rãi!

Tiếp cận

Muốn làm được gì đó thì trước hết phải bắt đầu cái đã. Ở đây là tiếp cận và bắt chuyện với người Ý. Khi người Ý có tuổi càng cao thì khả năng họ sẽ tự bắt chuyện với bạn càng cao. Nếu là sinh viên thì phần trăm họ bắt chuyện trước rất thấp. Vì sao? Vì chảnh ư? Có. Vì lười ư? Có. Vì gì nữa? Có lẽ vì không có nhu cầu.

Nhưng còn một lý do khác nữa đó là vì … thẹn. Nom thế chứ người Ý trẻ tuổi rất dễ thẹn thùng. Không hổ báo trường mẫu giáo như người Việt đâu. Vì sao? Vì họ được giáo dục phải rất rất lịch sự. Vì rất nhiều trong số họ chỉ mới xê dịch từ tỉnh này sang tỉnh khác để đi học. Vì đa số chỉ mới quanh quẩn ở trong châu Âu. Vì phần không nhỏ còn chưa đi nước ngoài bao giờ.

Và còn vì không phải ai cũng nói tiếng Anh, mà bạn lại không nói tiếng Ý. Thay vì tự làm cho mình thẹn thêm vì không nói được tiếng Anh họ sẽ bỏ qua bạn. Vì thế bạn nên luôn ở thế chủ động.

Rồi! Bây giờ sau khi bạn đã quyết định phải chủ động tiến tới thì mình sẽ nói thêm là nhiều người người Ý rất tò mò. Tò mò chứ không phải tọc mạch nhé. Chỉ có chúng ta mới tọc mạch, còn dân châu Âu đa phần thấy việc cá nhân của người khác thì chạy ra chứ không chạy vào nếu như không được hỏi nhé.

Bây giờ bạn đã biết họ tò mò, cần nhá cho họ chút gì thú vị. Nhưng luôn nhớ là rất có thể lúc đầu vì tò mò họ sẽ hưởng ứng. Nếu bạn không thực sự có phẩm chất nào sau đó, bạn sẽ thấy sự lạnh nhạt tăng lên dần đều.

Vai trò của cái dạ dày

Ngoài việc bạn cho thấy mình có nhiều phẩm chất thì một trong những hành động cụ thể hiệu quả nhất để có thể tiếp cận được người Ý là giới thiệu về văn hóa ẩm thực của nước nhà với tất cả sự say mê.

Họ sẽ muốn tìm hiểu về ẩm thực của nước bạn, xem nó có phong phú và tinh tế như ẩm thực Ý hay không. Là người Việt thì bạn đúng là có lợi thế vì ẩm thực của ta không thua của Ý hay của bất cứ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, dù có đa dạng đến đâu đi chăng nữa thì ẩm thực nước ngoài đối với người Ý vẫn không thể sánh với ẩm thực Ý. Ẩm thực Ý là nhất, là số một, là vô đối.

Kết bạn với người Ý

Biết được tâm lý này rồi thì các bạn không nên để bụng và cũng không nên tranh luận với họ làm gì, dễ xích mích. Hãy nhớ câu thành ngữ sau: “Del gusto non si discute” Khẩu vị thì miễn bàn. Người Ý dè dặt khi mới tiếp cận cái mới, nhưng trong bụng lại rất tò mò, khi bạn làm họ chú ý rồi họ sẽ thử, nếu thích họ sẽ thử tiếp và sẽ tôn thờ nó.

Thích là tôn thờ

Đoạn nói về việc người Ý tôn thờ cái họ thích, khoảng 5 năm trước đây vị gừng còn dè dặt trên các quầy hàng hay nằm héo queo trên kệ hàng Tàu, lác đác một vài người châu Á mua về dùng, những năm gần đây nó lại trở thành một gia vị vô đối, không có gì có thể tuyệt vời hơn.

Người ta thấy gừng có mặt trên mọi nẻo đường: trong siêu thị coop, esselunga, trong cửa hàng thực phẩm Bangladesh giả bộ hàng Ấn, trên quầy hàng Tàu, trong chợ Ý trong nhà, ngoài hàng hội chợ ngoài trời. Họ chế biến thành đủ thứ món: họ cho vào món mặn, họ cho vào cơm, họ dùng nấu trà, họ cho vào trà túi lọc, họ làm vị kem, họ bọc sô cô la, họ làm mứt, họ trộn chung salát, bạn mình còn gọt cả vỏ để ăn sống mỗi ngày sau bữa cơm để tráng miệng.

Gừng củ nào củ nấy to bằng cổ tay. Nhập từ đâu thì các bạn biết rồi. Sau này mới thấy loại củ nhỏ nhập từ Peru. Mình hay ra chợ bảo mấy bà mấy cô chớ có mua gừng to, nhất là khi bẻ đôi ra thấy không có xơ tưa ra. Rất độc. Các bà các cô đổ xô nhau đi mua gừng Peru.

Gia vị người Ý

Các món của người Ý thường không có nhiều gia vị (spezie) và hương liệu (aromi) như các món ăn châu Á, mà ngược lại họ thường cho một lượng lớn của một số ít các loại gia vị. Ví dụ như món thăn lợn sốt chanh, ngoài thịt lợn ra thì họ sẽ chỉ cho chanh, chanh và chanh, do đó món này sẽ rất chua. Như thế mới hợp khẩu vị của người Ý. Vị càng đậm nếu bạn vào nhà hàng càng xịn. Vị nào cần ngọt thì họ sẽ làm rất ngọt: các vị kem sữa và kem sô-cô-la thường ngọt khé cổ (không có chuyện vị thao thảo hay thanh thanh). Còn món nào có sốt với cà chua thường họ sẽ nấu rất mặn.

Nhìn chung vị của Ý rất … cực đoan: nhạt thì rất nhạt, ngọt thì rất ngọt, chua sẽ rất chua. Nếu bạn cho vào nồi hơn năm loại gia vị người Ý sẽ không còn thấy ngon nữa vì họ không phân được rạch ròi mùi nào với vị nào. Trái lại, người Việt nếu nấu thường nêm nếm rất nhiều loại gia vị và hương liệu, nên chỉ cần thiếu một gia vị là sẽ cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó.

Nói cái này để bạn cẩn thận khi nấu mời người Ý.


XEM THÊM: Người Ý ăn uống như thế nào?


Một lần …

Một lần nọ mình ra ta tay làm món gỏi xoài tôm thịt thết đãi các bạn. Xoài ở Ý thường nhập từ Brazil, Ấn độ, Peru, quả nào quả nấy bóng lừ, cứng như đá, vỏ xanh nhưng ruột vàng tươi, mùi không ngái, ăn ngọt và khá giòn. Kiểu xoài Thái nhưng ăn đậm đà hơn. Một quả có giá tầm 4-5 euro. Làm đĩa gỏi cho sáu miệng ăn cần khoảng hai quả. Rồi thì tôm, thịt, rau thơm, rượu vang để ướp tôm thịt, … vị chi khoảng 20 euro. Hì hục gọt rửa sơ chế và thái cắt cuối cùng món gỏi xoài cũng lên hình bắt mắt và thơm tho, ngào ngạt.

Biết các bạn Ý ăn ít gia vị mình chỉ nêm một lát ớt nhỏ xíu và hai nhánh tỏi. Vậy mà chả hiểu thế nào mấy cái gia vị này bắt mùi xoài dậy lên ồ ạt. Các bạn mình được phen chọc mình đến phát khùng, đến độ ông bạn phải xin lỗi và để thể hiện sự thành khẩn các bạn mình đã chén hết đĩa xoài. Lúc đó mình đã rút ra bài học sau: Sau này không nên kì công cho bọn nó ăn mà cứ nhấc chai rượu cho nó nhanh.

Mãi sau này khi đi học làm bếp mình mới biết người Ý sẽ lột bỏ lõi trong cùng của củ hành và củ tỏi bỏ đi vì họ bảo nhân này, giống như dây rốn để nuôi đứa bé, nó dùng để nuôi sống củ hành củ tỏi, vì thế nó chứa rất nhiều tinh dầu, khi đem xào nấu sẽ khiến món ăn có vị hắc. À thì ra thế!

Pinzimonio

Câu thần chú

Hãy nhớ câu thần chú: ‘Ăn gì thì ăn người Ý vẫn coi đồ ăn của họ là nhất’. Do đó khi làm món gì mời họ bạn nên làm vừa đủ ăn, đừng làm nhiều. Hãy thể hiện sự rộng rãi trong tần suất bạn làm đồ ăn cho họ. Đừng rộng rãi về lượng thực phẩm cho mỗi lần. Nếu món có chấm thì không nên làm nhiều mắm. Thay vì làm riêng để chấm hãy cho thẳng mắm vào ướp. Người Ý không quen chấm.

Món duy nhất mà họ chấm đó là món rau củ chấm … kho quẹt pinzimonio. Họ chấm hành tây, rau củ sống với dầu và giấm Balsamic. Món Việt mà người Ý thích là phở, chả giò chiên hoặc gỏi cuốn. Nếu có cơ hội, hãy mời họ, họ sẽ rất cảm kích. Chắc chắn các bạn sẽ trở thành bạn bè của nhau sau lần ăn đầu.


Kết bạn với người Ý qua dạ dày không quá khó phải không? Chúc bạn thành công nhé!


COMMENTS

No Comment

Leave a Reply