Cơ hội việc làm tiếng Ý ở Sài Gòn
Bạn đang dự định học tiếng Ý, bạn đang học rồi nhưng còn băn khoăn về cơ hội việc làm tiếng Ý ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp? Hãy cùng Khánh Hân đọc bài này và phần nào trả lời câu hỏi của bạn nhé.
Quãng đời sinh viên tiếng Ý được đánh dấu bởi ba giai đoạn quan trọng:
- Tốt nghiệp
- Tìm được việc làm
- Tìm được việc làm tiếng Ý.
Tìm được việc làm tiếng Ý ở Sài Gòn gần như là một … giai đoạn. Quả vậy, có một sự thật không thể phủ nhận: 100 sinh viên Ý ra trường thì hết hơn phân nửa cảm thấy mông lung khi cầm tấm bằng đỏ chói trên tay (nếu có mà cầm). Điều đó có nghĩa là có ít cơ hội làm việc hay phải cạnh tranh khốc liệt?
Các ngành khác cạnh tranh bể đầu thì tiếng Ý cũng cạnh tranh mẻ trán. Tại sao một ngôn ngữ hiếm luôn cần nhân sự mà việc làm cho sinh viên Ý ở Sài Gòn mới ra trường lại khó khăn đến thế? Mình sẽ tìm hiểu ngay sau đây.
1. Vài nét về thị trường việc làm tiếng Ý tại Việt Nam
Tiếng Ý vẫn còn là một ngôn ngữ thuộc dạng hiếm tại Việt Nam hiện nay. Nhiều người nghĩ sự xuất hiện hiếm hoi của các trung tâm dạy tiếng Ý đồng nghĩa với cánh cửa tìm việc cũng bé tí tẹo. Nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược, đặc biệt là với việc làm tiếng Ý, bởi lẽ:
- Vì hiếm bạn sẽ tự dưng trở nên quý và nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Theo thống kê năm 2017, ở Việt Nam chỉ có khoảng 1000 sinh viên tiếng Ý.
- Yêu cầu đầu vào không khắt khe nhưng thu nhập sẽ nhỉnh hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Những năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp Ý, người Ý đến sống và làm đầu tư tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với 10 năm trước. Đồng nghĩa với việc thị trường việc làm tiếng Ý ngày một mở rộng. Theo số liệu thống kê của ITA, hiện có hơn 400 doanh nhân Ý đầu tư hoặc quản lý cho các doanh nghiệp FDI ở Sài Gòn.
2. Các dạng việc làm tiếng Ý
Qua kinh nghiệm tìm kiếm việc làm và tham khảo các giáo viên, sinh viên, mình chia việc làm tiếng Ý thành các nhóm sau:
2.1 Việc làm trong các tổ chức – đoàn thể về ngoại giao Ý: trợ lý đối ngoại
Đây là việc làm hot vì vị trí xã hội cao. Do đó cũng là việc có cơ hội thấp nhất và đòi hỏi cao nhất. Sinh viên Ý ở Sài Gòn ra trường lại thiếu kỹ năng và kiến thức về ngoại giao và quan hệ quốc tế nên hiếm khi lọt vào mắt nhà tuyển dụng. Phần nữa, các đoàn thể này thường nằm ở Hà Nội nên các sinh viên ở Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Nhìn chung, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có:
- Kỹ năng nghe, nói, đọc và viết tiếng Ý tốt
- Kỹ năng tổ chức công việc và giải quyết vấn đề
- Năng lực làm việc trong môi trường đa văn hóa
- Có kiến thức văn hóa – xã hội – ngoại giao – quan hệ quốc tế Ý và Việt
2.2. Các văn phòng – nhà máy của các doanh nghiệp Ý: thư ký hành chính – nhân sự
Đây là nhóm việc phổ biến thứ 2 mà sinh viên Ý được tuyển dụng. Thông thường các doanh nghiệp này thường nằm khá xa trung tâm thành phố (Bến Tre, Bình Dương, …), khá ít doanh nghiệp có văn phòng ở khu vực trung tâm. Nếu bạn nào ngại xa thì đây không phải lựa chọn tối ưu.
Các kỹ năng yêu cầu:
- Kỹ năng nói và viết tiếng Ý tốt, đặc biệt viết thư, đơn, nói chuyện điện thoại
- Biết cách lên kế hoạch và kỹ năng tổ chức sắp xếp công việc
- Kỹ năng tổng hợp thông tin
- Kiến thức về nhân sự và thậm chí kế toán thống kê
- Thường sẽ được đào tạo thêm chuyên môn của từng ngành nghề.
2.3. Dịch vụ du lịch – lữ hành: Hướng dẫn viên – điều hành tour – thiết kế tour – nhà hàng Ý
Việc làm hot nhất trong các việc làm tiếng Ý. Nhu cầu guide tiếng Ý trong 05 năm gần đây hot hơn bao giờ hết! Vào những tháng cao điểm như tháng 8 và tháng 1, thiếu guide là chuyện thường. Nhiều bạn ngay từ thời sinh viên đã tham gia dẫn tour để rèn luyện tiếng Ý và kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, đa số những sinh viên làm việc tiếng Ý đều chọn nghề này. Thu nhập khủng, kiếm tiền nhanh, nhiều việc mà không yêu cầu quá nhiều, đây xứng đáng là việc hot nhất cho sinh viên Ý.
Yêu cầu cơ bản của nghề:
- Kỹ năng thuyết trình và viết tiếng Ý tốt: viết miêu tả hành trình, giới thiệu điểm đến.
- Kiến thức văn hóa bản địa tốt và văn hóa Ý ở mức cơ bản
- Kỹ năng lên kế hoạch, tổ chức và giải quyết tình huống.
2.4. Cơ sở dịch thuật – công chứng: Biên dịch viên, hiệu đính, phiên dịch viên
Một việc hot thứ 3. Ở đây cần phân biệt dạng:
- Phiên dịch cứng (full time) cho doanh nghiệp: lương khủng, đối ngộ tốt nhưng làm xa trung tâm thành phố.
- Phiên dịch lưu động (theo việc) cho doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường: lương khủng, tuy nhiên cơ hội làm việc không nhiều, vì trước bạn cũng có khá nhiều người dịch thạo đến mức thường xuyên được các đầu mối giao việc.
- Biên dịch hồ sơ giấy tờ: cũng giống như trên, thường chỉ một số ít những người dịch cứng được biết đến và tin tưởng. Cái này đôi khi vì ngoại giao và mối quan hệ nhiều hơn là vì trình độ nha các bạn.
Để làm được việc này bạn cần:
- Diễn đạt tốt tiếng Ý và tiếng Việt
- Kỹ năng nói và viết tiếng Ý tốt: đặc biệt văn phong hành chính
- Kỹ năng biên tập và đọc sách.
2.5. Nhân viên thủ tục visa Ý
Việc này nghe hấp dẫn nhưng quả không nhiều. Ngoài Lãnh sự và VFS là hai nơi khó vào nhất thì còn có một vài trung tâm tư vấn visa khác.
Để làm được việc này bạn cần:
- Kỹ năng nói và viết tiếng Ý tốt: đặc biệt văn phong hành chính. Chắc chắn, biết tiếng Anh là một lợi thế
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
2.6. Cơ sở đào tạo ngoại ngữ: Giáo viên tiếng Ý
Một nghề không kém hot đó là truyền lại kiến thức đã học được. Dạy ai? Bạn có thể tự mở lớp, gia sư, dạy cho trung tâm hoặc dạy cho trường. Thu nhập còn tùy vào số lượng tiết dạy, cơ sở dạy và tất nhiên là trình độ và sự hấp dẫn của bạn.
Đây không hẳn là nghề có thu nhập cao nhất, nhưng lại đòi hỏi cao nhất về kỹ năng và kiến thức. Bạn biết đấy, đây là nghề duy nhất dạy cho người khác sáng tạo.
Yêu cầu tối thiểu cho người muốn làm nghề này:
- Kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Ý tốt
- Kỹ năng sư phạm, kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá
- Tư duy sáng tạo
- Truyền cảm hứng.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:
https://www.facebook.com/hoctiengyde
3. Thu nhập từ việc làm tiếng Ý
Đoán chừng đây sẽ là phần được các bạn sinh viên quan tâm nhiều nhất. Bạn cứ yên tâm, nếu được tuyển bạn sẽ thấy không uổng phí 4 năm đèn sách.
Dưới đây, mình xin thống kê sơ bộ mức thu nhập từ việc làm tiếng Ý của sinh viên các khóa mới ra trường để bạn dễ hình dung.
LOẠI CÔNG VIỆC | THU NHẬP |
Gia sư | ~ 250.000 – 350.000đ/ buổi 1,5h |
Văn phòng tại các doanh nghiệp | ~ 10 – 15 triệu |
Thực tập tại các nhà hàng Ý | ~ 5 – 10 triệu |
Dẫn tour (trong TP hoặc miền Tây) | ~ 5 – 10 triệu; 1 triệu/tour 1 ngày |
Biên phiên dịch | ~10 – 15 triệu |
Tổ chức đoàn thể ngoại giao | ~8 – 12 triệu |
4. Môi trường làm việc
Với các công ty Ý thì đa phần môi trường khá thoải mái. Bạn phải tự giác trong công việc hơn so với khi làm việc ở doanh nghiệp nội địa. Bù lại, nếu như công ty chỉ có mình bạn biết tiếng Ý thì chắc chắn bạn sẽ được cưng như vàng đấy. Bạn sẽ học được rất nhiều điều khi làm ở một công ty Ý, đặc biệt là ngôn ngữ.
Ở trường bạn có thể quên quên nhớ nhớ cũng không đáng lo, nhưng đi làm thì cần chính xác. Người Ý thường không tiếc lời khen nhưng họ luôn rạch ròi trong công việc.
Các doanh nghiệp Ý thường làm việc và nghỉ lễ theo lịch Ý chứ không phải theo lịch Việt Nam. Tức là lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, … bạn sẽ được nghỉ và phải đi làm vào các ngày lễ của nhà nước mình.
Sếp Ý thường là nam nhiều hơn nữ. Theo kinh nghiệm của cá nhân, sếp khá nghiêm chỉnh trong công việc. Có thể nói là kỹ tính nhưng lại khá hiểu tâm lý nhân viên. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức với những ai ham học hỏi, biết nắm bắt cơ hội. Sếp tớ rất hay nấu ăn mời nhân viên (100/10 về chất lượng).
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là vấn đề trang phục khi đến công ty. Bạn không cần phải đóng vest khi đi làm nhưng ít nhất phải chỉn chu và phù hợp với vị trí công việc của bạn. Ví dụ: bạn không nên mặc đầm khi dẫn tour hay mặc quần lửng đi gặp khách. Sếp có thể không nói trước mặt nhưng rất để ý trang phục của bạn.
XEM THÊM: Thực sự thì người Ý ăn mặc như thế nào?
5. Vậy tìm việc làm tiếng Ý ở đâu?
Ý tưởng chạy xồng xộc đến gõ cửa từng công ty Ý để hỏi rằng “Họ có cần người không, nhận mình với nhé!” sẽ là một ý tưởng không mấy thực tế. Do còn thiếu cộng đồng việc làm tiếng Ý nên hiện cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên chủ yếu dựa vào … người quen để tìm nhau.
Vậy bạn hãy tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có và luôn free:
- Các giảng viên dạy tiếng Ý
- Tham gia vào các nhóm group tiếng Ý
- Các trang tiếng Ý được quản lý bởi những người có uy tín.
Chia sẻ thêm, các giảng viên bộ môn Ngữ văn Ý là những người có nhiều contact Ý nhất đấy. Với những doanh nghiệp Ý, trung tâm dạy tiếng Ý, dẫn tour, … khi cần tuyển nhân sự họ sẽ liên lạc với các giảng viên tiếng Ý trước nhất, sau đó họ mới đăng bài trên Internet, mạng xã hội.
Ngoài các nguồn trên, bạn có thể xin thông tin từ các sinh viên khóa trên mà bạn biết đã/ đang làm việc cho các doanh nghiệp Ý hoặc các công việc liên quan đến tiếng Ý. Đừng ngại hỏi nếu như bạn không phải sinh viên bộ môn Ý nhé, các giảng viên và sinh viên rất nhiệt tình chia sẻ.
Qua một cuộc phỏng vấn nhỏ và nhanh, mình thấy các sinh viên Ý ở Sài Gòn chủ yếu tìm việc qua các kênh sau:
- Giảng viên bộ môn Ngữ văn Ý giới thiệu: 90% (giảng viên chỉ giới thiệu cơ hội đi phỏng vấn – đậu hay không là ở năng lực).
- Nguồn từ mạng xã hội, Internet: 50%
- Nguồn từ bạn bè, gia đình: 30%
- Các nguồn khác: 10%.
6. Vài nét về việc làm của sinh viên Ý
Mình được biết, con số này là 95% ở khóa đầu tiên ra trường (2016). Theo tìm hiểu của mình về việc làm của các sinh viên các khóa gần đây thì số sinh viên tìm được công việc liên quan đến tiếng Ý giảm đi rất nhiều.
Vấn đề của con số giảm không nằm ở nhà tuyển dụng. Ngược lại, chủ yếu ở phía sinh viên.
Ứng tuyển nhưng không đậu:
- Không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng về ngôn ngữ
- Thiếu kỹ năng và kiến thức bổ trợ.
Khi đi học bạn chỉ có được 50% kiến thức, còn lại 50% kia đạt được là nhờ tự học, tự trau dồi: xem phim, nghe nhạc, tìm bạn trên mạng để thực hành nói, tìm việc làm thêm, tham gia hội thảo, câu lạc bộ.
Bốn năm đại học, cái mà bạn có được là vốn liếng ngôn ngữ và một số kỹ năng. Nhưng thực sự không phải bạn nào ra trường cũng có vốn liếng ngôn ngữ. Đó là điều tréo ngoe.
Kể cả khi đủ vốn ngôn ngữ vẫn không đủ để bạn có thể đi làm. Vì để làm được việc, bạn cần rất nhiều kỹ năng khác. Nếu bạn không định hướng cho mình về nghề nghiệp và chủ động trau dồi thì bạn đã thiệt ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.
Khi đi ứng tuyển, ngôn ngữ hiếm có thể khiến bạn trở nên nổi bật, nhưng cũng có thể là điểm yếu của bạn. Bởi ngoài tiếng Ý, bạn chả biết gì sất thì họ tuyển bạn thế nào đây?
Không ứng tuyển:
- Tự ti về bản thân và khả năng tiếng Ý nên không ứng tuyển.
- Ngại thử thách: không muốn ứng tuyển vào các công ty Ý vì đường xa.
Để giảm tự ti thì bạn nên trau dồi ngay từ khi còn đi học.
Nhu cầu về nhân sự tiếng Ý khá cao, vậy nên bạn đừng ngại tìm kiếm. Sinh viên có dư nhất chính là thời gian, hãy trau dồi thêm các kỹ năng (nhiếp ảnh, đồ họa, thư ký, …) để bạn trở nên nổi bật nhất trong các ứng viên. Đừng thụ động để bỏ phí 4 năm tuổi trẻ bạn nhé.
Về khoảng cách của các doanh nghiệp Ý bạn không nên quá lo lắng. Chính vì ở xa nên họ sẽ có xe đưa đón hoặc phụ phí đi lại. Đối với các doanh nghiệp ngoại thành thì họ sẽ chuẩn bị ký túc xá nhân viên hoặc nơi ở cho bạn. Nếu thật sự muốn luyện tập tiếng Ý, nắm bắt cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp Ý, trau dồi bản thân thì bạn đừng ngại khoảng cách.
Trên đây là góc nhìn của mình, một sinh viên mới ra trường, đã đi tìm việc, đã hồi hộp chờ đợi và mới xin được việc làm ưng ý. Mong nhận được chia sẻ của các bạn.
Tác giả bài viết:
Khánh Hân – 23 tuổi, người Sài Gòn, đã tốt nghiệp ngành Ngữ văn Ý tại trường ĐH KHXH &NV TPHCM. Khánh Hân từng là một sinh viên tích cực trong việc học tập cũng như trong môi trường làm việc tiếng Ý. Hiện Khánh Hân đang đầu quân cho một tổ chức uy tín về visa châu Âu.
Chị ơi cho em được hỏi câu này ạ. Em hiện đang học Thạc sĩ tại Ý. Em có tìm hiểu thông tin trên mạng là sinh viên Thạc sỹ và Tiến sĩ được ở lại Ý 12 tháng sau khi tốt nghiệp. Sau thời gian này nếu không có việc làm thì phải về lại Việt Nam. Chị có thể chia sẻ giúp em một số kinh nghiệm về chủ đề này được không ạ? Với em nên tìm đến đâu để hỏi thông tin chính xác ạ. Em cảm ơn chị.
Chào em! Sở dĩ có vụ 12 tháng ở lại Ý là do quy định gia hạn PSE thêm 12 tháng sau khi tốt nghiệp để tìm việc. Nếu không được kí hợp đồng để có thể gia hạn PSE thì em phải về nước. Nhiều bạn lách bằng cách cố ý không ra trường đúng thời hạn (nhưng không quá số năm cho phép được kéo dài quá trình học – điều này cũng được nêu trong quy định về gia hạn PSE luôn). Có bạn khác lại làm tạm việc gì đó như bồi bàn nhà hàng để có hợp đồng và gia hạn PSE. Vậy em thử tìm hiểu thêm trong các quy định về gia hạn PSE tối đa cho một mục đích đi học là bao nhiêu năm nhé.
Xin chào bạn. Hiện công ty của mình đang rất cần tuyển các bạn biết tiếng Ý, đặc biệt là sinh viên mới ra trường mong muốn có cơ hội thực hành tiếng Ý trực tiếp với người nước ngoài và nâng cao cả trình độ tiếng Anh cơ bản. Có cách nào để mình tiếp cận với các bạn biết tiếng Ý rộng hơn không ạ?
Đây là link thông tin về công việc Booking Support của công ty mình. https://careers.your.rentals/jobs/2342958-booking-support-french-italian-spanish
Cảm ơn bạn rất nhiều!