Chuẩn bị hành lý du học Ý: nên và không nên mang gì?

Nhiều bạn lần đầu chuẩn bị hành lý du học Ý có tâm lý như sau:

  1. Nhét thật nhiều thứ vào hành lý hòng mang hết cả tuổi thơ đi cùng;
  2. Không biết mang theo gì cả vì quá nhiều thứ để mang.

Mang nhiều vẫn không đủ, mang ít thì lại thiếu. Vậy hành lý du học Ý thực sự cần những gì? Dưới đây Thảo sẽ chia sẻ một số mẹo để việc chuẩn bị hành lý du học Ý của các bạn trở nên dễ dàng.

NÊN mang theo những gì trong hành lý du học Ý?

Việc chuẩn bị hành lý du học Ý tưởng đơn giản nhưng lại không phải chuyện chơi. Do cộng đồng Việt ở Ý không lớn như ở Pháp, Đức, Nga, Séc, các loại hàng hóa không có nhiều. Trong khi du học sinh các nước này chỉ việc chuẩn bị tiền và một ít quần áo, vì sang đó cần gì đã có chợ trời, chợ Việt, du học sinh Ý sẽ phải tính toán cẩn thận hơn.

Riêng Ý thì chỉ ở các thành phố lớn như Roma, Milano và Bologna mới sẵn tìm được đồ quê nhà. Nhiều bạn ở các thành phố này còn tranh thủ nhập đồ Việt từ các thương lái người Việt ở Đức và Séc. Nhưng nguồn hàng như thế thì không ổn định và tất nhiên giá sẽ tăng lên nhiều lần.

Lúc vừa mới sang đến Ý là lúc nhạy cảm nhất của cuộc đời du học sinh. Nếu may mắn có người giúp đỡ thì còn khá, không thì sẽ phải một mình làm rất nhiều việc mà ở nhà chẳng bao giờ nghĩ tới. Từ đây cuộc sống tự lập thực sự bắt đầu. Không còn sai mẹ, mắng em được nữa.

Bạn sẽ thấy:

  • Mệt nhọc lết đống hành lý từ sân bay về nhà (nếu may mắn có nhà)
  • Lấm lét với con bạn cho mình ở nhờ và nơm nớp lo tìm thuê nhà
  • Sốc văn hóa: Sao các bạn trên trường không ai thích mình?
  • Phải lo một đống giấy tờ khai báo tạm trú
  • Vẫn không biết chợ búa và căng tin ra sao
  • Sốc nhiệt độ: Sao lạnh/nóng quá!
  • Sốc tỷ giá: Muốn mua gì cũng phải quy ra VND thấy rẻ mới mua
  • Sốc múi giờ: Lúc mình ngủ thì con bạn thức lúc muốn buôn thì nó ngủ rồi
  • Thèm hò hét nhõng nhẽo với bu
  • Nhớ bồ mà sao nó không nhắn tin

Bằng ấy thứ sẽ khiến bạn thấy cô đơn và muốn bật khóc. Lúc này mà có món quê hương bỏ vào miệng bạn sẽ đỡ tủi thân. Những lúc này bạn sẽ muốn ăn gì?


1. Có thực mới vực được đạo: Đồ ăn càng nhiều càng ít

Ăn cái gì làm sẵn, chỉ việc bóc vỏ bỏ vào miệng như giò, chả, nem. Phần còn lại nên là đồ trữ được lâu để ăn dần như:

  1. Mì tôm: hàng Tàu có bán nhưng không phải chỗ nào cũng ngon.
  2. Khô bò, khô gà, khô mực, nem chua: Là những thứ không chỗ nào ở Ý bán.
  3. Bún, miến, phở, cháo, bánh đa nem, hủ tiếu: Ở Bologna có siêu thị Việt, ở Milan có phố Tàu bán mấy thứ này khá ổn. Tuy nhiên phở và bánh đa nem hay bị mùi. Bạn nào ăn nhiều hai món này nên mang qua.
  4. Bánh tráng (loại để ăn chơi).
  5. Rau củ khô để nấu canh chua.
  6. Ngũ vị hương để ướp thịt.
  7. Giềng là vị không chỗ nào bán.
  8. Bột sắn dây: Vị thuốc giải nhiệt, hạ sốt và làm đẹp rất hiệu quả.

2. Giấy tờ tùy thân và hồ sơ nhập học

Hồ sơ và giấy tờ tùy thân là một phần tất yếu trong hành lý du học Ý. Các bạn nên sắp xếp cẩn thận và mang theo các giấy tờ sau:

  1. Giấy tờ tùy thân
    1. Hộ chiếu bản gốc
    2. Bằng lái xe quốc tế
    3. Thẻ ngân hàng quốc tế.
  2. Hồ sơ du học
    1. Giấy mời nhập học
    2. Bằng và bảng điểm đã dịch và chứng nhận lãnh sự
    3. Giấy xác nhận giá trị văn bằng (Dichiarazione di valore in loco)
    4. Ảnh thẻ 3×4 khoảng 20 tấm nhỏ. Nếu muốn tặng cho các bạn thì in thêm. Không thì chỗ này đủ dùng trong 3 năm rồi. 😛
    5. Hóa đơn đóng lệ phí cho trường.
    6. Các quyết định cử đi học nếu đang làm cho cơ quan nhà nước. Sau này rất cần để xin các HB phụ khác.
  3. Hóa đơn mua/thuê dịch vụ khác:
    1. Sổ khám bệnh/Giấy khám sức khỏe nên mang theo.
    2. Bảo hiểm du lịch.
    3. Hóa đơn/Hợp đồng thuê nhà-khách sạn.
  4. Các giấy tờ không nên đem theo:
    1. Giấy tờ bản gốc văn bằng
    2. CMND bản gốc.

Tất cả những giấy tờ cần mang nên photo thêm một bản. Ngoài ra các bạn có thể chụp/scan lưu trong điện thoại và/hoặc tải lên cloud phòng khi mất bản gốc. Lưu ý: Không chụp cũng không lưu hình ảnh thẻ tín dụng ở bất cứ chỗ nào.

3. Mang thuốc…yêu thích và thuốc…không yêu thích

Mình có bệnh thì mình phải lo. Mình biết mình hay bị bệnh gì thì nên phòng sẵn các thuốc đó trong người. Nói như thế không có nghĩa là ở Ý không có thuốc. Ngược lại, y tế và dược phẩm ở Ý khá tốt, tốt nhất là ở Bắc Ý. Khi bạn tham gia bảo hiểm quốc gia (assicurazione nazionale) với phí tầm 150 euro/năm bạn sẽ được hưởng dịch vụ như người Ý. Nghĩa là bạn sẽ được khám không giới hạn ở các phòng khám có liên kết của hệ thống AUSL. Thế nhưng, y tế công Ý rất chậm chạp, trong khi y tế tư nhân thì quá đắt đỏ.

Người Ý không giống ta ở chỗ họ khá chăm đi khám. Thậm chí không có bệnh nhưng cứ tiện là đi khám. Vì vậy lịch hẹn lúc nào cũng dày đặc. Để được khám thì bạn phải gọi điện (hoặc ra tiệm thuốc) và đặt lịch hẹn trước đến cả tháng. Do đó nếu đợi đổ bệnh rồi mới gọi AUSL thì không kịp. Những trường hợp khẩn cấp như vậy phải đi bác sỹ tư.

Bác sỹ tư lấy phí rất cao và không phải ngày nào, giờ nào họ cũng làm việc. Nếu bạn không may bị bệnh vào thứ 7 hay chủ nhật thì chỉ có chờ đến thứ hai! Bằng không, bạn phải đi cấp cứu. Cấp cứu sẽ xác nhận qua điện thoại xem tình trạng của bạn thuộc loại nguy cấp hay không trước khi xử lý. Nếu nguy cấp bạn sẽ không mất phí và được điều trị ngay.

Có cô bạn mình bị đau răng mà gọi AUSL họ hẹn những hai tuần sau mới khám cho! Nếu là ở Việt Nam chắc cô đó sẽ ra ngoài mua thuốc đau răng rồi. Ở Ý bạn cần phải có đơn của bác sỹ để mua thuốc có kháng sinh hay thuốc biệt dược. Muốn có hóa đơn thì chỉ còn cách đi khám.

Vì những lẽ trên, các bạn có thể nhờ bác sỹ khám cho mình ở Việt Nam kê cho một số thuốc trị các bệnh vặt hay mắc phải khi ở Việt Nam. Ngoài ra các bạn có thể mang theo thuốc đông y khác. Các bạn cũng không nên tùy tiện dùng thuốc mà chỉ vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan thôi nhé.

4. Gối ôm và một số quần áo cơ bản

Mình biết có nhiều bạn nghiện ôm bu, ôm má khi ngủ. Có bạn lại không ngủ được (như mình) nếu không có gối ôm. Bu hay má thì không đâu có bán nên mình đã thử đi tìm gối ôm. Kết quả là không thấy đâu bán hết! Cô bạn mình ở Modena hay tin đã cho xem hai cục gì tròn tròn dùng để chặn khe hở đầu giường phòng gió lùa. Hình thù thì cũng giống gối ôm thật, nhưng cứng còng. Do vậy, bạn nào cũng thích ôm gối như mình nên cân nhắc cho vào hành lý. Nhớ là để nguyên trong bọc chân không, mang sang mới mở ra.

Quần áo chỉ mang đơn giản và thực sự cần thiết. Cũng nên mang bộ áo dài để mặc những dịp lễ.

5. Hành lý du học Ý không thể thiếu tiền

Mang gì thì mang nhưng tiền không thể thiếu. Mình thường khuyên các sinh viên không nên tranh thủ mua nhiều đồ từ nhà qua mà hãy tiết kiệm vì có tiền là gần như có tất. Tuy nhiên, không nên để tiền trong hành lý ký gửi. Các bạn nên chuẩn bị một túi nhỏ đeo thường trực và bỏ vào đó: tiền, hộ chiếu, vé máy bay và điện thoại.

6. Nên mang theo quà tặng

Sẽ có nhiều dịp để bạn tặng quà. Tặng quà khi mới gặp chủ nhà để tỏ thịnh tình. Tặng quà cho bạn cùng lớp để dễ kết giao. Tặng quà cho người quen của bạn để có thể kết thân. Tặng quà không phải là nịnh và cũng không phải là hối lộ. Mà đó chỉ là một nghĩa cử để mở một cơ hội tìm hiểu người khác.

Người Ý chi tiêu rất cẩn thận và họ không hay tặng quà nếu không phải thân hay vào dịp lễ. Tuy nhiên khi được tặng họ rất cảm động và ngay lập tức có cảm tình với bạn. Quà tặng không cần phải to tát. Chỉ cần biết bạn cất công mang từ 10.000 km sang tặng họ là họ sẽ cảm động. Do đó mình khuyên các bạn nên bớt chút đồ ra và bỏ vào hành lý du học Ý của các bạn một vài món sau:

  1. Cà phê loại ngon đóng gói 250gr.: Nên pha Robusta và Arabica vì đa số người Ý không uống thuần.
  2. Hạt tiêu sọ hoặc hạt điều rang muối chuẩn Việt Nam.
  3. Trà ngon ướp sen hoặc lài đóng gói nhỏ: Nhiều người Ý sưu tầm trà.
  4. Đồ lưu niệm đặc trưng văn hóa Việt như chú Tễu, tượng áo dài.
  5. Hít gắn tủ lạnh có hình ảnh văn hóa hay sinh hoạt ở Việt Nam: Nhiều người Ý sưu tầm cái này.

KHÔNG NÊN mang theo những gì trong hành lý du học Ý?

Những bạn nào lần đầu đi học hay sợ ở Ý không như ở nhà, chẳng có gì. Phần cũng do người Việt ta không am hiểu Ý cho lắm, và đúng là ở Ý ít người Việt. Ở Ý rõ không như ở nhà rồi, nhưng chắc chắn không phải chẳng có gì. Bởi vậy khi chuẩn bị hành lý du học Ý không nên nhồi nhét nhiều quá.

1. Không nên bỏ đồ gia dụng vào hành lý du học Ý

Nhờ các cửa hàng người Tàu mà dân Việt ở Ý không thiếu đồ để dùng. Nồi, niêu, xoong, chảo, chày cối, bếp từ, bếp than, đũa bát, chén cốc, thìa nĩa, tăm, lược kẹp tóc, khăn gối, giày dép, móc áo v.v. hầu như không thiếu một cái gì. Mấy năm về trước các bạn du học sinh còn thủ trong vali nồi cơm điện. Hành lý có 30kg mà hết 4kg nồi cơm điện rồi. Bây giờ thì không cần nữa vì hàng Tàu hay hàng Ý như chuỗi Casalingo có cả. Mua ở hàng Tàu thì giá cả phải chăng, chất lượng 100% Tàu. Nếu quy ra tiền Việt thì đắt hơn chút nhưng mua ở Ý bạn đỡ phải mang đi cho nhọc. Chỗ ký dư ra dành để mang đồ ăn dự trữ.

2. Không nên mang quá nhiều quần áo

Ý là kinh đô về thời trang nên sẽ không thiếu quần áo cho bạn mặc. Do đó khi chuẩn bị hành lý du học Ý các bạn nên cân nhắc chỉ mang theo những bộ đồ thật sự cần thiết cho thời gian đầu ở Ý.

– Không hợp thời trang

Xu hướng tâm lý con người là muốn được cộng đồng chấp nhận. Khi gia nhập một cộng đồng mới bạn càng mong điều này. Một trong những yếu tố đầu tiên bạn sẽ tính đến là ăn và mặc thế nào. Ăn bạn có thể giấu được nhưng mặc thì không. Khi mặc đồ không hợp mốt bạn sẽ không tự tin giao tiếp. Quần áo mang ở nhà sang thường không hợp với xu hướng ăn mặc của người Ý. Màu quần áo của người Ý thường không đậm do họ có nét và trang điểm rất đậm rồi. Hơn nữa quần áo không phải cạnh tranh với không gian vì nhà cửa ở đây có màu khá trang nhã. Trong khi ở Việt Nam chúng ta phải cạnh tranh với vô vàn màu sắc rực rỡ ở xung quanh.

– Không phang được thời tiết

Không những chỉ không hợp mốt mà quần áo mang từ Việt Nam sang chưa chắc đã đủ ấm. Bạn nên mua đồ ở Ý để giữ ấm tốt nhất và vẫn đẹp nhất. Ở Ý sẽ có ít dịp bạn dùng đến giày cao gót nên không cần mang quá nhiều.

3. Không cần mang quá nhiều sách vở

Thật là ngược đời phải không, đi học mà lại không cần mang nhiều sách vở! Đúng vậy, vì mỗi trường và mỗi thành phố đều có thư viện đủ cung cấp sách cho chúng ta rồi. Thẻ thư viện ở Ý đều có liên kết với nhau. Nếu bạn có thẻ trường bạn có thể dùng để mượn sách trong thư viện của thành phố (Comune) vẫn được.

Bạn nào mới sang vẫn muốn đọc sách tiếng Việt trước các môn để dễ tiếp thu bài bằng tiếng Ý thì nên cân nhắc scan trước hết ở nhà. Có thể dùng CamScanner để scan chẳng hạn.


KHÔNG ĐƯỢC mang những gì trong hành lý du học Ý?

Ý dễ và linh động hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác và Mỹ. Cụ thể là nếu mang thực phẩm qua Mỹ mà không có tem phiếu xuất xứ, kiểm dịch, v.v. thì không mang được. Ý thì khác.

Hầu như bạn có thể mang tất tần tật những thứ mà hàng không nội địa cho phép vận chuyển. Kể cả việc buộc phải quá cảnh ở nước thứ ba (do Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Ý) như Pháp, Đức, Trung Đông, v.v. cũng không ảnh hưởng, vì hành lý luôn được gửi thẳng sang Ý.

Tuy nhiên, tùy vào điều kiện hành lý của từng hãng hàng không mà bạn biết chắc mình được mang những gì. Nhìn chung hành lý du học Ý không được mang theo những thứ sau đây:

  1. Đồ ăn có mùi nồng nàn phố hoặc được ngâm trong chất lỏng. Nhất là khi mang số lượng lớn: cà pháo, mắm tôm, sầu riêng.
  2. Đồ ăn sống từ động vật và/hoặc còn tươi: nem chua rán, cua, tôm, cá, v.v. Nếu mấy thứ này mà khô thì vẫn mang bình thường.
  3. Các chất cháy nổ hay ảnh hưởng an toàn bay: sơn, cồn, bật lửa, sạc pin dự phòng, patin gắn pin, nam châm khối (loại gắn tủ lạnh thì mang thoải mái – mình đã từng đem khoảng 100 cái từ Ý về và 50 cái từ Việt Nam sang không sao cả).
  4. Chất lỏng vượt quá số lượng cho phép: rượu, giấm, nước hoa. Tìm hiểu quy định của hãng bay để biết thêm thông tin.

Check-list

NÊN MANG

  • Đồ ăn càng nhiều càng ít
  • Giấy tờ tùy thân và hồ sơ nhập học
  • Thuốc…yêu thích và thuốc…không yêu thích
  • Gối ôm và một số quần áo cơ bản
  • Tiền
  • Quà tặng

KHÔNG NÊN MANG

  • Đồ gia dụng
  • Quá nhiều sách vở
  • Quá nhiều quần áo

KHÔNG ĐƯỢC MANG

  • Đồ ăn có mùi nồng nàn phố hoặc được ngâm trong chất lỏng
  • Các chất cháy nổ
  • Chất lỏng vượt quá số lượng cho phép.

Trên đây là các mẹo chuẩn bị hành lý du học Ý mà mình đã tích lũy được. Nếu cần thêm thông tin các bạn hãy để lại comment trong phần dưới đây nhé.

COMMENTS

No Comment

Leave a Reply